Feruccio Lamborghini đã nhận ra thị trường dành cho phân khúc Lamborghini “nhỏ” và trên hết là một chiếc xe có giá thành cùng chi phí vận hành thấp hơn. Vào đầu những năm 1970, ông đã thúc đẩy cho sự phát triển một mẫu xe sau này mang tên Urraco, và sau đó đã phát triển lên thành mẫu Jalpa trong những năm 1980s.
Vào năm 1987, Lamborghini bắt đầu phát triển dự án L140 dành riêng cho việc tạo ra một chiếc Lamborghini nhỏ gọn. Nhiều nguyên mẫu đã được phát triển trong nhiều năm, và nhiều giải pháp kỹ thuật được khám phá, bao gồm cả động cơ V8 và sau đó là động cơ V10.
Vào năm 1998, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng thì thương hiệu quyết định bắt đầu lại từ con số không, chỉ sử dụng khái niệm, kích thước tổng thể và ý tưởng về một khối động cơ 10 xy-lanh để làm nền tảng – một yếu tố chưa từng xuất hiện trên một chiếc xe Lamborghini dành cho đường trường trước đây.
Khối động cơ mới chính là kết quả trong công việc của kỹ sư Massimo Ceccarani – người đã dành hơn 10 năm cống hiến cho công ty và đã thăng tiến lên chức vụ Giám đốc Kỹ thuật, cùng với Maurizio Reggiani – người đảm nhiệm nhiệm vụ phát triển động cơ và thiết kế tại Văn phòng Kỹ thuật Lamborghini vào thời điểm ấy.
Maurizio Reggiani – người đảm nhiệm vị trí Giám đốc Kỹ thuật Lamborghini từ năm 2006 đến 2022 – hồi tưởng: “Dự án L140 mang đến một khối động cơ V10 72° với hộp số tích hợp vào trong khu vực bể dầu, được thiết kế bởi Lamborghini và không thực tế cho loại xe dự định sản xuất. Hơn nữa, vị trí của hộp số bên dưới động cơ tạo nên một trọng tâm cao, điều này sẽ không đảm bảo khả năng lái và xử lý tình huống mà một chiếc siêu xe thể thao Lamborghini phải có. Do đó, khi chúng tôi bắt đầu dự án mang tên “baby Diablo”, một động cơ V8 được chọn và quyết định tìm kiếm một khối động cơ tiềm năng trong số những cái đã có trên thị trường, bao gồm cả khối động cơ 8 xy-lanh của Audi. Với việc trở thành một phần của Audi sau này, thương hiệu đã quyết định sản xuất một chiếc xe hoàn toàn mới với khung hình ống bằng nhôm và động cơ 10 xy-lanh được thiết kế bởi Lamborghini, và một hộp số hoàn toàn mới được thực hiện bằng cả phương pháp thủ công lẫn tự động hóa”.
Gallardo được lắp khối động cơ 10 xy-lanh 5 lít V90 DOHC với 4 van, sản sinh 500 mã lực. Thay vì sự lựa chọn V72 cổ điển, một góc nghiêng 90 độ được ưu tiên áp dụng để hạn chế độ cao của khối động cơ, cũng như đạt được lợi thế trong cách bố trí xe (nắp động cơ thấp hơn, tầm nhìn sau tốt hơn) và tạo ra trọng tâm thấp để tăng khả năng tính động lực. Góc đánh lửa thường xuyên (đảm bảo độ trơn tru của động cơ) đạt được thông qua việc sử dụng các “tay quay” có độ lệch 18 độ. Hệ thống bôi trơn bể chứa khô không chỉ mang đến khả năng bôi trơn hoàn hảo ngay cả trong các điều khiện động lực học khắc nghiệt, mà còn cho phép hạ thấp trọng tâm hơn.
Theo như Maurizio Reggiani giải thích: “Để có thể tạo ra số lượng xe như kế hoạch, động cơ V10 phải mang hình dạng V với góc 90°, do đó mà nó sở hữu một “chốt chia” tại trục khuỷu cho phép khả năng đánh lửa đều đặn ngay cả khi trục khuỷu có xy-lanh 90°. Các-te động cơ (hộp chứa trục khuỷu), được lót các lớp phủ Nikasil, đã được các kỹ sự Lamborghini sửa đổi và thiết kế lại, việc chế tạo chúng từ hợp kim nhôm hypereutectic cho phép tấm lót được đúc trực tiếp lên chất liệu nhôm. Điều này giúp giảm thiểu khoảng cách giữa các xy-lanh, độ dài xy-lanh, trọng lượng và cũng như giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, điều này đã tạo nên tiền đề cho khối động cơ V10 MPI 5-lít 90°lần đầu tiên được lắp đặt trên dòng Gallardo”.
Do đó, động cơ V10 đầu tiên trở thành một khối động cơ hiện đại với: dung tích 5 lít với hệ thống bôi trơn bể chứa khô, trục cam kép đặt ở mỗi hàng xy-lanh, với van biến thiên theo thời gian (4 van trên mỗi xy-lanh) và cơ chế truyền động bằng xích.
Hộp số 6 cấp được trang bị đồng bộ với vành đồng tốc hình nón đôi và nón ba thế hệ mới nhất, đi cùng với hệ thống điều khiển và tương tác được tối ưu hóa được đặt ở sau động cơ, trong khi đó thì hệ dẫn động toàn bốn bánh (AWD) sử dụng hệ thống VT đã được thử nghiệm. Một hệ thống tuần tự được tự động hóa (hộp số điện tử Lamborghini được cung cấp như một lựa chọn bổ sung trên phiên bản này) cũng được phát triển, trong khi đó thì cơ chế cơ bản của hộp số được giữ nguyên.
Bộ khung gầm cấu trúc hoàn toàn từ nhôm được tạo nên dựa vào các chi tiết bộ phận được ép đùn và hàn với các bộ phận kết nối làm từ phương pháp đúc. Trên bộ khung này, tùy vào chức năng mà những bộ phận bên ngoài thân xe có thể được gắn với các hệ thống khác nhau (bằng cách bắt đinh tán, bắt vít hoặc hàn). Các bộ phận treo bên ngoài khác (như cản xe) được làm từ chất liệu nhựa nhiệt dẻo và kết nối bằng bu-lông.
Dự án thiết kế bắt đầu từ năm 2000 với đề xuất ban đầu mang tên “Italdesign-Giugiaro”, sau đó được tối ưu và hoàn thiện bởi bộ phận mới thành lập có tên Lamborghini Centro Stile do Luc Donckerwolke dẫn dắt. Nhiệm vụ của các nhà thiết kế, được đòi hỏi rất khắt khe nhưng đồng thời rất thú vị, là phải xác định được các thuộc tính chính thức của Lamborghini và kết hợp chúng lại với nhau để trở thành một thành phẩm duy nhất. Kích thước của Gallardo và những mục tiêu hiệu năng của nó mang lại phong cách thể thao nhỏ gọn. Chiều dài cơ sở của chiếc xe và phần nhô ra đã được tinh giảm đã mang đến một ngoại hình năng động hơn. Phần chủ chốt trong thiết kế mang tính biểu tượng của Gallardo, vốn cũng đã được thể hiện trên mẫu Murciélago vào năm 2001, chính là việc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của ngành hàng không – được thể hiện rõ nét ở khoang lái phía trước được tích hợp vào thân xe, kính chắn gió góc cạnh với những trụ cứng cáp, quá trình xử lý phức tạp các bề mặt phẳng với các chi tiết cắt ngang rõ nét, cũng như như hướng của các chi tiết của hệ thống làm mát theo luồng không khí.
Yếu tố khiến cho Gallardo nổi bật trên thị trường chính là hiệu suất kết hợp với khả năng vận hành, độ tin cậy cũng như tính ứng dụng hàng ngày cao, bên cạnh đó là chiếc xe mang đến cảm giác sử dụng thoải mái hàng ngày.
Vào tháng 05/2004, Gallardo được đưa vào “quyên góp” truyền thống cho Cảnh sát Ý: chiếc xe được sử dụng cho những mục đích đặc biệt, như thuyên chuyển nội tạng được hiến tặng hay thuốc men y tế.
Vào năm 2005, hai năm sau màn ra mắt của phiên bản coupé, automobile Lamborghini giới thiệu phiên bản Gallardo Spyder tại Frankfurt Motor Show; đây không chỉ là phiên bản “mui trần” thông thường mà là một mẫu hoàn toàn mới với hệ thống đóng/mở mui mềm mới, bao gồm cả nắp động cơ xe. Mẫu Lamborghini Gallardo Spyder cũng mang đến tính năng quan trọng mới ở khía cạnh động cơ, hộp số và hiệu suất. Động cơ 10 xy-lanh 4961 cc của chiếc xe cung cấp 520 mã lực (382 kW) tại 8000 vòng/phút. Hộp số 6 cấp (hộp số tay với tùy chọn cung cấp phiên bản điện tử tự động hóa) mang tỷ số truyền ngắn hơn, tao nên khả năng xử lý năng động hơn cho chiếc xe. Những tính năng mới của động cơ sau đó cũng được áp dụng trên mẫu coupé đời 2006.
Vào năm 2007, khi số lượng sản xuất của mẫu “baby Lambo” này đã vượt quá 5.000 chiếc thì Gallardo Superleggera đã được giới thiệu tại Geneva. Mẫu xe mới, với công suất tăng thêm 10 mã lực và trọng lượng được thuyên giảm 100 kg, thậm chí còn sở hữu tính năng động cao hơn với tỷ lệ trọng lượng/công suất chỉ 2,5 kg/mã lực. Superleggera sở hữu hộp số cơ học tự động hóa tiêu chuẩn, đã trở thành tính năng thường thấy trên các phiên bản sau này, và được bổ sung bốn sắc màu mới: vàng Midas, cam Borealis, xám Telesto và đen Noctis. Superleggera còn sở hữu nhiều chi tiết làm bằng chất liệu carbon để phục vụ cho mục đích quan trọng là giảm thiểu trọng lượng, như cánh gió cố định sau (một tùy chọn mang tính biểu tượng của phiên bản này) và phanh gốm carbon.
Tại Geneva Motor Show vào tháng 03/2008, mẫu xe LP 560-4 đã được giới thiệu – một phiên bản cải tiến của Gallardo – với trọng lượng nhẹ hơn 20 kg, mang động cơ V10 5.2 lít sản sinh 560 CV, đi kèm hệ thống phun xăng trực tiếp. Cũng trong năm 2008, thương hiệu đã sản xuất được 7.100 chiếc Gallardo. Sự kiện Los Angeles Motor Show vào tháng 11 cùng năm chứng kiến sự hiện diện của phiên bản mui trần LP 560-4 Spyder với cùng thông số kỹ thuật. Động cơ mới mang đến những tinh chỉnh kỹ thuật quan trọng và đầy bất ngờ như Maurizio Reggiani giải thích: “Trong phiên bản tiếp theo mang động cơ 5.2 lít, chúng tôi đã quyết định thay đổi hình dạng của chi tiết trục khuỷu, tháo gỡ chốt chia và chấp nhận quá trình đánh lửa không đồng đều để ưu tiên tăng độ cứng của trục khuỷu. Công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp cũng được áp dụng, giúp tăng hiệu quả trong buồng đốt để tạo ra công suất lớn hơn đi cùng ít chất gây ô nhiễm hơn”.
Năm 2009, với 9.000 chiếc được sản xuất, Automobili Lamborghini cho ra mắt “Gallardo LP 550-2 Valentino Balboni” chỉ 250 chiếc được sản xuất và mang đặc trưng của giải pháp kỹ thuật chưa từng thấy trước đây: 550 mã lực với hệ truyền động cầu sau. Nhận được nhiều đơn yêu cầu từ các vị khách, Gallardo LP 550-2 được đưa vào việc sản xuất rộng rãi (2010) và tiếp nối đó là sự ra mắt của piên bản Spyder (2011). Để tạo nên cá tính độc nhất, các kỹ sự tại Sant’Agata Bolognese ứng dụng hệ truyền động cầu sau và đại tu tất cả các bộ phận của hệ thống vận hành – bao gồm lò xo, giảm xóc, thanh cân bằng và cả lốp xe. Sự thay đổi trong công suất cũng tác động đến tính khí động học của chiếc xe. Ngoài ra, bộ vi sai cầu sau cũng được nâng cấp, và nhiều tinh chỉnh quan trọng được tiến hành trên hệ thống ổn định động ESP.
Vào tháng 3/2010, mẫu xe Gallardo LP 570-4 Superleggera năng động hơn, trọng lượng nhẹ hơn, mạnh mẽ hơn và ngoại hình hấp dẫn hơn đã được giới thiệu tại Geneva. Tiếp nối thành công của phiên bản cùng tên trước đó vào năm 2007, trọng lượng của LP 570-4 đã được lược giảm 70 kg, động cơ 570 mã lực (419 kW) và tỷ lệ trọng lượng/công suất giảm chỉ còn 2,35 kg/mã lực. Những thay đổi về ngoại thất được thực hiện riêng để cải thiện tính tính khí động học. Thiết kế này gia tăng luồng khí hướng vào các bộ tản nhiệt và cải thiện lực ép mặt đường lên trục trước. Những thay đổi trên tấm sàn xe, cũng như việc sử dụng các tấm ốp bên và bộ khuếch tán sau mới bằng chất liệu sợi carbon đã góp phần cải thiện tính khí động học. Hơn thế nữa, tải trọng khí động học lên trục sau được cân bằng với việc ứng dụng cánh gió cố định phía sau. Vào năm 2010, hai mẫu xe khác với động cơ tương tự đã được ra mắt: LP 570-4 Spyder Performante (có trọng lượng nhẹ hơn khi giảm 65 kg so với LP 560-4 Spyder) và Gallardo LP 570-4 Blancpain Edition – kết hợp tinh thần cạnh tranh của Super Trofeo với khả năng xử lý trên đường hoàn hảo cùng thiết kế độc quyền lấy cảm hứng từ “Lamborghini Blancpain Trofeo”.
Vào năm 2012, Automobili Lamborghini giới thiệu hai phiên bản nâng cấp tại Paris Motor Show. Những biến thể này trông mạnh mẽ, báo tạo và cực đoan hơn: Gallardo LP 560-4 và Gallardo LP 570-4 Edizione Tecnica, chúng đại diện cho một sự phát triển phong cách tiến xa hơn so với nguyên bản.
Vào tháng 01/2013, sự phát triển của chương trình GT3 mới được công bố, dựa trên Gallardo MY13. Trong cùng năm, Gallardo LP 570-4 Squadra Corse được giới thiệu tại Frankfurt Motor Show. Phiên bản giới hạn này, là cái tên cao cấp nhất trong dòng Gallardo, được lấy cảm hứng bởi Gallardo Super Trofeo: chiếc xe tham gia tranh tài tại Lamborghini Super Trofeo.
Vào tháng 11/2013, chiếc Lamborghini Gallardo cuối cùng được xuất xưởng tại nhà máy Sant'Agata Bolognese – mẫu Gallardo LP 570-4 Spyder Performante trong phối màu Rosso Mars.
Trong vòng đời 10 năm của mình, Gallardo đã mang đến rất nhiều phiên bản đặc biệt, bán ra ở 45 quốc gia. Với 32 biến thể, tổng số xe được sản xuất đạt con số 14.022 chiếc. Đây chính là những số liệu khiến cho Gallardo trở thành một trong những mẫu siêu xe thể thao được đánh giá cao nhất từ trước đến nay, với vị thế được bảo chứng là một trong những biểu tượng của thiết kế và kỹ nghệ ô tô nước Ý.
PV