Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký hôm nay 14/8. Theo đó, đến năm 2023, quy mô đội bay của Bamboo Airways được phép tăng lên 30 chiếc, gồm các loại máy bay thân hẹp A319/A320/A321 và thân rộng A330/A350 hoặc Boeing B787.
Tuy nhiên, Chính phủ không phê duyệt nâng tổng mức đầu tư dự án lên 8.300 tỷ đồng như hồ sơ đề nghị trước đó của Bamboo Airways. Con số này được điều chỉnh xuống còn 5.700 tỷ đồng, trong đó vốn góp 1.300 tỷ đồng (là vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%), vốn huy động 2.450 tỷ đồng, vốn khác 1.950 tỷ đồng. Chính phủ yêu cầu vốn của Bamboo Airways phải được huy động theo thực tế tiến độ tăng số lượng tàu bay và kết quả hoạt động kinh doanh.
Máy bay Bamboo Airways cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Giang Huy. |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, khả năng đáp ứng nguồn vốn của chủ đầu tư.
Trước đó, trong văn bản góp ý về đề nghị điều chỉnh dự án của Bamboo Airways, Bộ Tài chính cho rằng UBND tỉnh Bình Định cần rà soát, thẩm định các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật vận tải hàng không theo quy mô tăng thêm của Bamboo Airways để phù hợp với quy định Việt Nam và quốc tế.
Bộ Tài chính còn trích dẫn số liệu cho thấy tính đến 30/4, tức là sau khoảng 3 tháng bay, Bamboo Airways lỗ 329 tỷ đồng. Thực tế, tại đại hội cổ đông của FLC hồi cuối tháng 6, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết từng cho biết, hãng chưa có lãi và tập đoàn vẫn phải bù lỗ. Nguyên nhân là Bamboo Airways vận hành 10 máy bay nhưng phải nuôi bộ máy nhân sự để sẵn sàng phục vụ cho kế hoạch tăng quy mô đội bay lên 30 chiếc. Do vậy, ông Quyết nhấn mạnh khả năng sinh lợi nhuận của Bamboo Airways phụ thuộc rất lớn vào quyết định phê duyệt của Chính phủ về quy mô đội bay.
Bộ Tài chính cũng đánh giá hoạt động của FLC phụ thuộc vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ. Do đó, nếu FLC cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ hợp đồng thuê, mua máy bay... thì cần báo cáo làm rõ, giải trình năng lực, khả năng tài chính để thực hiện quyền bảo lãnh, nghĩa vụ liên quan...
Phó thủ tướng cũng yêu cầu hãng bay chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ điều chỉnh và hiệu quả đầu tư dự án. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm huy động vốn, đảm bảo góp đủ số đã đăng ký theo tiến độ, tính khả thi theo đúng quy định pháp luật.
Theo Bamboo Airways, hãng hiện có hơn 300 phi công đang làm việc, trong đó 80% là phi công nước ngoài. Với việc đang vận hành 10 tàu bay và để hoạt động một tàu bay ổn định cần 11-14 phi công (tùy loại thân hẹp hoặc thân rộng), hãng đang thừa gần 200 phi công sẵn sàng đón các máy bay sắp bổ sung.
Mức vốn điều lệ của hãng có thể đạt 2.000 tỷ đồng khi FLC hoàn tất rót thêm 700 tỷ đồng vào Bamboo Airways thông qua phát hành cổ phiếu năm nay.
Hiện Bamboo Airways khai thác 25 đường bay nội địa và quốc tế đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hãng hàng không đang nghiên cứu tiến tới đưa vào triển khai đường bay quốc tế đường dài sang Đức, Cộng hoà Czech, Anh và đặc biệt là đường bay thẳng tới Mỹ.
Anh Tú – Nguyễn Hà/VNExpress