Các phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra như sau:
- Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí cần có là hơn 2.100 tỷ đồng. 30% học sinh còn lại có thu nhập khá trở lên tự mua sách.
- Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí Nhà nước cần hỗ trợ là hơn 1.500 tỷ đồng.
- Phương án 3: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ số lượng học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo. Số kinh phí dự kiến là hơn 107 tỷ đồng.
Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục xin ý kiến Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan về cân đối ngân sách, cơ chế hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh mượn, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Trong số hơn 17 triệu học sinh năm học tới, có hơn 15 triệu em chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT đề xuất 3 phương án hỗ trợ sách giáo khoa. Ảnh minh hoạ
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, hiện có 37/63 tỉnh, thành (trong đó có Hà Nội, TP.HCM) đã chọn xong sách giáo khoa lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.
"Vấn đề chủ yếu liên quan đến sách giáo khoa sẽ thay vào năm nay là lớp 4, 8, 11. Trong đó, bao gồm các nội dung về việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, tính giá, thẩm định giá, duyệt giá, in, xuất bản, phát hành…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Liên quan đến giá sách giáo khoa, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sách giáo khoa thuộc mặt hàng do doanh nghiệp kê khai giá, vì vậy Bộ chỉ thực hiện rà soát chứ không thẩm định giá. Trong ngày 10/5, Bộ đã hoàn thành rà soát giá của các bộ sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11. Sau khi rà soát, giá các bộ sách này giảm từ 2-10% so với giá đề xuất ban đầu. Riêng với các bộ sách của NXB Giáo dục, Bộ Tài chính đã yêu cầu kê khai lại.
Từ nay đến ngày 15/5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả sách giáo khoa để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính cũng đề nghị các nhà xuất bản công bố đầu sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng.
PV theo THPL