Ủy ban Pháp luật Quốc hội vừa tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Tại đây, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Xây dựng làm rõ việc quy định mức phí bảo trì chung cư là 2% giá trị căn hộ và đóng cho 20 năm đầu cũng như việc giao cho chủ đầu tư thu có thực sự phù hợp. Chưa kể, theo các đại biểu, cần làm rõ việc sử dụng khoản kinh phí này và phân định trách nhiệm bảo hành và bảo trì của chủ đầu tư...
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên giải trình. Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội
Trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, quy định thu kinh phí bảo trì bằng 2% tiền mua căn hộ, cư dân đóng một lần để thực hiện trong 20 năm được áp dụng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, do bất cập về trình độ, năng lực của ban quản trị tòa nhà chung cư nên lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ đề xuất thêm 2 mô hình khác là chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp tham gia công tác này. Theo đó, cư dân có thể lựa chọn bầu ban quản trị, hoặc giao chủ đầu tư, hay thuê đơn vị chuyên nghiệp bảo trì, vận hành chung cư...
Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phối hợp với Bộ Công an điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Theo số liệu của 40 địa phương, đến cuối tháng 3/2019, cả nước có 4.354 tòa chung cư đã đưa vào quản lý, vận hành nhưng không có vướng mắc tranh chấp về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.
Còn theo Bộ Xây dựng, hiện có 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành, chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư ở 11 địa phương. Trong số đó, ông Hà cho biết có 68 tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Bộ trưởng Xây dựng vẫn cho rằng, tỷ lệ tranh chấp, khiếu nại về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không lớn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu hoàn thiện các phương án sửa đổi Luật Nhà ở trong năm 2019.
Theo VnExpress