Qua hơn 07 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp; mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn; quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu còn chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định không còn phù hợp với tình hình hiện tại… Do vậy việc rà soát, sửa đổi các quy định của Luật BHXH năm 2014 là điều hết sức cần thiết.
Ông Trần Hải Nam-Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH giới thiệu các điểm mới của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được xây dựng trên cơ sở tiếp thu tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lưc lượng lao động. So với Luật BHXH năm 2014, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung sửa đổi đáng lưu ý như: mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; sửa đổi quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; cùng với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng khác. Các nội dung sửa đổi này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, người làm thực tiễn, người nghiên cứu…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh an sinh xã hội được xem là một trong những cấu thành quan trọng để mọi quốc gia phát triển việc làm bền vững. Đại diện Ban Lãnh đạo Nhà trường chia sẻ: “Sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế trong thời gian qua đã và đang tác động rất lớn đến hệ thống bảo hiểm xã hội sau hơn bảy năm thi hành luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, có thể thấy đến nay một số quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế. Trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do đó phải tiến hành nội luật hóa các văn bản pháp luật lao động cho phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế”. PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm hy vọng thông qua hội thảo cùng thảo luận và đưa ra một số kiến nghị giúp Ban soạn thảo hoàn thiện hơn các quy định trong Dự thảo luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nguyễn Thị Bích,Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ với tham luận: “Kinh nghiệm pháp luật quốc tế và một số quốc gia về chính sách bảo hiểm xã hội một lần - đề suất hoàn thiện dự thảo luật bảo hiểm xã hội sửa đổi cho Việt Nam”. Theo tác giả, tình hình thực thi luật bảo hiểm xã hội hiện hành năm 2014 cho thấy còn nhiều bất cập trong chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần và không quay lại hệ thống còn tương đối cao. Đây là một thách thức rất lớn trong công cuộc nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân của nước ta. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề suất một số góp ý hoàn thiện dự thảo luật bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội một lần như học hỏi kinh nghiệm của Đức trong việc hạn chế quyền lợi khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần thông qua bổ sung chính sách đánh thuế trên khoản tiền nhận một lần, giảm điều kiện về tuổi hưởng hưu trí xã hội để tăng phạm vi tiếp cận của người lao động với chính sách này và xem xét việc sử dụng nguồn ngân sách từ quỹ bảo hiểm tư nhân hỗ trợ có chọn lọc,…
Tham luận “Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nông dân theo pháp luật một số quốc gia - gợi mở cho dự thảo luật bảo hiểm xã hội sửa đổi” của nhóm tác giả Ths. Nguyễn Tấn Hoàng Hải và CN. Trần Bảo Khanh đã gợi mở vấn đề trong nhóm đối tượng là người nông dân. Theo đó, trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay, xu hướng lao động chuyển từ nông thôn đến thành thị ngày càng gia tăng, tuy nhiên số lượng lao động tại nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong khi tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở nước ta đã có sự gia tăng nhưng không đáng kể. Nhóm tác giả cho rằng nhà nước nên tích cực tăng cường gia tăng số lượng dân số tham gia bảo hiểm xã hội nhằm giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi về già trong bối cảnh dân số và lực lượng lao động nông nghiệp Việt Nam đang trong xu thế già hóa, đặc biệt là người nông dân lao động phi chính thức không thuộc diện hộ nghèo là nhóm đối tượng cần thiết.
Thông qua hội thảo, các ý kiến góp ý, đề xuất của các diễn giả, khách mời tham dự Hội thảo sẽ là nguồn tham khảo hữu ích, được gửi đến các cơ quan chủ trì soạn thảo, tham vấn trong quá trình hoàn thiện nội dung của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
PV