Phát biển khai mạc cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho biết Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) được thành lập với mục đích giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, lưu giữ và phát triển văn hóa ẩm thực Việt trong nhân dân; tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam về bản sắc văn hóa ẩm thực Việt, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc; đồng thời thực hiện quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, hướng đến việc xây dựng văn hóa ẩm thực thành Thương hiệu Quốc gia Việt Nam vào năm 2025.
Để thực hiện hóa mục tiêu trên, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành Thương hiệu Quốc gia giai đoạn 2022-2024” với 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 diễn ra vào năm 2022 với dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.
Giai đoạn 02 diễn ra vào năm 2023 với việc thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam.
Giai đoạn 03 diễn ra vào năm 2024 với hoạt động cụ thể là chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ Ẩm Thực Việt Nam, hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách tham quan nếu được sự quan tâm của các tỉnh thành và các nhà đầu tư trong tương lai.
Chủ tịch VCCA chia sẻ, để chuẩn bị triển khai Dự án, Hiệp hội đã thực hiện chương trình khảo sát các di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu của 05 địa phương tại phía Bắc và nhận được sự hỗ trợ, hưởng ứng nhiệt tình của các Nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực, nghệ nhân, cũng như các cơ quan ban ngành tại địa phương, mang lại kết quả vượt ngoài mong đợi, tạo tiền đề và động lực để Hiệp hội tiếp tục triển khai thực hiện Đề án.
“Chúng tôi tin rằng một khi văn hóa ẩm thực Việt trở thành Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ trở thành kênh quảng bá truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước”, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Đề án cung cấp nền tảng thông tin thực tế về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến kết hợp các nguyên vật liệu và gia vị của những món ăn đặc sắc các vùng miền, phát huy những giá trị về dinh dưỡng của các món ẩm thực.
Đối với kinh tế ẩm thực, Đề án mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia trong ngành cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, chế biến ẩm thực, phát triển du lịch của địa phương...
Đặc biệt, Đề án hướng đến mục tiêu tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, chuỗi cung ứng nguyên liệu trong ngành ẩm thực, theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực.
Từ cơ sở dữ liệu thu thập nghiên cứu của Đề án, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ sàng lọc Bộ ẩm thực có khả năng thành mô hình "Khởi nghiệp ẩm thực". Đồng thời, Hiệp hội quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc theo vùng miền của Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.
PV