Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã ra báo cáo hạ dự báo giá cổ phiếu một loạt ngân hàng so với số liệu công ty này được công bố trước đó.
Theo báo cáo mới nhất của VCSC về Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank), công ty chứng khoán này đưa ra mức giá mục tiêu mới nhất cho cổ phiếu HDB là 31.800 đồng, giảm gần 20% so với mức giá trước. Lý do chính của việc điều chỉnh là do dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn đối với công ty tài chính HDSaison và lợi suất cho vay tại ngân hàng mẹ xấu đi.
Tại thời điểm VCSC ra báo cáo lần đầu cho cổ phiếu HDB (tháng 6/2018), lợi suất cho vay trong quý I/2018 tại ngân hàng mẹ HDBank đang có xu hướng giảm, và lợi suất cho vay 9 tháng đầu năm chỉ đạt 12,1%, thấp hơn so với con số năm 2017 là 12,6%.
"Chúng tôi cho rằng chi phí dự phòng tại ngân hàng mẹ quá thấp so với mức hợp lý và tình hình tài chính của ngân hàng mẹ nói chung khiến thương vụ M&A khó có thể khiến chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng, dẫn đến việc hạ khuyến nghị", VCSC bình luận.
Tương tự HDBank, VCSC cũng điều chỉnh giá mục tiêu của cổ phiếu BID về gần mức thị giá hiện tại trên thị trường, hạ 15% so với mức khuyến nghị trước đó. Trong đó, lo ngại về chi phí huy động và tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng trong năm tới là nguyên nhân chính của việc điều chỉnh.
Với những ngân hàng khác, dù vẫn giữ nguyên khuyến nghị tích cực, song mức giá mục tiêu đã được điều chỉnh giảm từ 10 đến 20%. Cổ phiếu VCB của Vietcombank với mức khuyến nghị mới nhất là 64.000 đồng, giảm 11% so với dự báo trước đó; cổ phiếu TCB của Techcombank giảm khuyến nghị 20% xuống 34.600 đồng; cổ phiếu VPB của VPBank giảm 19% khuyến khị hay cổ phiếu CTG của VietinBank điều chỉnh giảm gần 13% dự báo.
Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) mới đây cũng hạ dự báo với cổ phiếu EIB của Eximbank. Mức giá mục tiêu của EIB được điều chỉnh giảm từ 18.000 đồng xuống 14.700 đồng do kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy tiến độ tái cấu trúc còn chậm. "Vấn đề chính là dư nợ giảm, tuy vậy ít nhất thì chất lượng tài sản được cải thiện và theo đó tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng. Ngân hàng cần cân nhắc lại chiến lược hiện tại để có nguồn thu nhập ổn định cao và từ đó đẩy mạnh trích lập dự phòng", chuyên viên phân tích của HSC đánh giá.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình hình hoạt động của ngành ngân hàng có thể khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong ba năm gần đây.
Trao đổi với VnExpress về câu chuyện lợi nhuận ngành ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Phạm Hồng Hải nhìn nhận, có thể đỉnh lợi nhuận của ngành sẽ là năm 2018, sau đó giảm dần. Theo CEO HSBC Việt Nam, một trong những lý do có thể sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ không muốn duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay mà sẽ đưa xuống thấp hơn.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng những năm sau là Basel 2 khi đã chính thức được áp dụng thì sẽ ảnh hưởng phần nào đến chiến lược kinh doanh của các ngân hàng. Lúc này, các nhà băng không thể dựa nhiều vào tín dụng mà phải chuyển qua các hoạt động khác. Khi đó, lợi nhuận chắc chắn sẽ bị giảm sút chứ không thể như năm nay.
Cũng theo ông Hải, từ năm 2019, vấn đề nợ xấu có thể sẽ lại là bài toán cho các ngân hàng sau thời gian vừa qua tăng trưởng tín dụng tương đối "nóng", bên cạnh những tác động bất ổn từ thị trường tài chính thế giới.
Minh Sơn/ vnexpress