Phát biểu tại lễ trao giải, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động cho biết, cuộc thi “Người Thầy kính yêu” nhằm tri ân công ơn của người thầy và tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc. Năm nay là lần thứ 2 tổ chức, cuộc thi đã thu hút đông đảo các cây bút chuyên nghiệp (các nhà văn, nhà báo) và không chuyên (các nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động) đến từ nhiều nơi trên cả nước với số lượng gần 150 tác phẩm, nhiều hơn lần đầu tổ chức, chứng tỏ sức lan tỏa của cuộc thi.
4 tác giả đoạt giải cao nhất cuộc thi (trái qua phải): Đỗ Mỹ Dung, Nguyễn Hữu Nhân, Thiều Nguyễn Vỹ Dạ và Quang Ân (Từ Nguyên Thạch).
Ông Tô Đình Tuân đánh giá, dù trong nhiều hoàn cảnh, thời điểm khác nhau nhưng hình ảnh người thầy được khắc họa trong các tác phẩm đều có điểm chung đó là sự tận tâm, lòng yêu nghề; sự nỗ lực vượt qua khó khăn để bám trường, bám lớp của những người giáo viên có số phận không may mắn, tật nguyền và đội ngũ giáo viên ở vùng cao, vùng xa. Ban tổ chức chọn đăng hơn 40 bài viết tiêu biểu từ các tác phẩm dự thi, sau đó tuyển chọn 20 tác phẩm vào chung khảo để ban giám khảo chấm, chọn ra những tác phẩm hay nhất để trao thưởng.
Tác giả Đỗ Mỹ Dung đạt giải 3 với tác phẩm " Thương hoài thầy tôi"
Tại buổi lễ, ban tổ chức công bố 7 tác phẩm của 7 tác giả đoạt giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2. trong đó, 1 giải Nhất được trao cho tác phẩm "Thầy giáo làng" của tác giả Quang Ân (Từ Nguyên Thạch); 1 giải Nhì được trao cho tác phẩm "Theo nghề dạy học tới cùng" của tác giả Nguyễn Hữu Nhân. Tác phẩm "Thương hoài thầy tôi" của tác giả Đỗ Mỹ Dung, tác phẩm "Mãi nhớ ơn thầy Hảo" của tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ đã được trao giải Ba. Trong các tác giả đoạt giải, tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ ít tuổi nhất, mới chỉ là học sinh lớp 6 ở tỉnh Đăk Lăk.
Ban tổ chức cũng trao 3 Giải Khuyến khích cho các tác phẩm: "Mơ lại được làm học trò của thầy" của tác giả Lê Thị Thu Thanh, "Đốm lửa gieo ánh sáng nơi rẻo cao Tây Bắc" của tác giả Phạm Thị Yến và "Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí" của tác giả Tường Mây (tức Nguyễn Văn Công).
Chia sẻ tại lễ trao giải, tác giả Quang Ân cho biết bài viết "Thầy giáo làng” được ông viết về thầy Lâm Bá Nhạc, tên gọi thân mật là Năm Nhạc, là người luôn xem học trò như con của mình. Thầy Nhạc cũng là người đã định hướng cho những học trò đi tới những hoài bão, ước mơ và tạo nên rất nhiều người thành đạt, ưu tú, trong đó tiêu biểu là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Tác giả “Thương hoài thầy tôi", Đỗ Mỹ Dung chia sẻ với phóng viên cho biết: “Không chỉ vì niềm vui nhận giải, mà vì bài viết của tôi có lẽ đã chạm đến cảm xúc của những thành viên Ban biên tập, những bạn đọc quý mến câu chuyện thuở niên thiếu của tôi. Và hơn hết, tôi có thể tri ân thầy tôi không chỉ bằng vật chất (dù không nhiều) mà còn bằng cả niềm yêu kính của một học trò cũ. Tôi tin thầy tôi sẽ đọc bài viết, sẽ cười và sẽ khóc; bạn bè tôi chia sẻ và tụi nó nói nhớ thời ấy ghê”.
Tại buổi lễ, ban tổ chức cũng trao giải "Mai Vàng tri ân" cho Nhà giáo Ưu tú Phan Quốc Khánh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM và Nhà giáo Lâm Bá Nhạc, nhân vật trong tác phẩm đoạt giải nhất của tác giả Quang Ân.
Nhân dịp này, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - Tô Đình Tuân cũng phát động Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 3 nhằm chọn ra những tác phẩm xuất sắc và những tấm gương thầy cô tiêu biểu để trao giải và vinh danh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024.
PV
Theo KHPT
https://khoahocphothong.vn/trao-giai-cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-250980.html