Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Lê Công Minh cho biết, VPA được thành lập từ năm 1994. Đến nay, qua 30 năm thành lập, hiệp hội đã có 84 thành viên là các cảng biển trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, những cảng lớn tại Việt Nam đều là thành viên của hiệp hội. Từ 24 cảng biển hội viên sáng lập ban đầu, qua 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, VPA có 82 doanh nghiệp cảng biển hội viên. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển VPA hàng năm cũng phát triển và chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng 60% về hàng bách hóa, hàng rời, hàng lỏng và khoảng 90% về hàng container của cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Lê Công Minh phát biểu tại buổi lễ.
Tổng kết năm 2023, 81 cảng thành viên hiệp hội khai thác được hơn 359 triệu tấn hàng xuất nhập khẩu nội địa, trong đó có hơn 17,7 triệu TEU container.
Theo dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ tăng gấp 1,6 – 2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1 – 4,8 lần so hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoạch định phù hợp quy định pháp luật, lợi thế tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối,… tạo thành một chỉnh thể thống nhất.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu chúc mừng tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi biểu dương những nỗ lực mà Hiệp Hội cảng biển Việt Nam đã đạt được trong suốt 30 năm. Thành quả này góp phần củng cố vị trí của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực kinh tế biển, cảng biển, logistics, đóng góp về định hướng chiến lược chính sách phát triển kinh tế.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, tương lai TP Hồ Chí Minh sẽ cùng với khu vực Đông Nam bộ kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác trên tinh thần “bám sông, hướng biển”, phát huy hơn nữa, mở rộng hơn nữa về hướng biển để kết nối với thế giới. Ông Mãi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm góp ý và tham gia của Hiệp hội Cảng biển và các hội thành viên.
Để những nỗ lực này đạt được kết quả, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị cần có cơ chế gặp gỡ đối thoại về chiến lược chính sách giữa TP Hồ Chí Minh và rộng hơn là vùng Đông Nam bộ với Hiệp hội và các hội thành viên, để việc hoạch định của Thành phố và Đông Nam bộ sát với xu hướng phát triển và nhu cầu phát triển của Hiệp hội và các hội thành viên.
Với 16 doanh nghiệp cảng biển thành viên là hội viên của VPA, VIMC đang quản lý và khai thác các cảng lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước, bao gồm Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Trong suốt 30 năm gắn bó với VPA, VIMC đã luôn đồng hành và tích cực tham gia vào các hoạt động của hiệp hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành cảng biển.
VIMC đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng trong quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam, giúp định hình và nâng cao chất lượng hạ tầng cảng biển. Các đề xuất về chính sách giá cả và cải tiến dịch vụ cảng biển, cùng với chiến lược chuyển đổi số, đã tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong ngành. Bên cạnh đó, VIMC cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến phát triển cảng xanh, cảng thông minh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế toàn cầu.
PV