Lãnh đạo chư Tôn đức Ni taị buổi lễ
Tham dự lễ khai mạc có chư Tôn đức Ni Thường trực Chứng minh, cố vấn Phân ban Ni giới TƯ; NT. Thích Nữ Nhật Khương – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Trưởng phân ban Ni giới TƯ cùng chư Tôn đức Ni Phó trưởng Phân ban Thường trực TƯ và Phân ban Ni giới GHPGVN TP. Cần Thơ.
Mở đầu buổi Triển lãm, Ni sư Thích nữ Thuần Chơn, Ủy viên PBNG Trung ương, Trưởng Tiểu ban Điều hành triển lãm tuyên đọc diễn văn khai mạc. Thông qua bài phát biểu, Ni sư khơi dậy những giá trị văn hóa nghệ thuật của Phật giáo. Ni sư cho biết: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ buổi đầu của lịch sử dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành, trở thành một phần quan trọng của văn hóa dân tộc.
Tiếp nối dấu son lịch sử đó, ngay từ giai đoạn hình thành vùng đất Tây Đô, Phật giáo đã hiện diện trong đời sống tinh thần của các lưu dân, đồng cam, cộng khổ, gắn bó mật thiết với công cuộc khai hoang, xây dựng, tạo lập xóm ấp, bảo vệ độc lập, tự do dân tộc. Do vậy, Phật giáo vùng Tây Đô không chỉ trở thành nhân tố cấu thành nền tảng văn hóa - con người, mà còn góp phần tạo nên hệ giá trị và bản sắc văn hóa riêng của vùng đất Cần Thơ hiền hậu”.
Sau diễn văn khai mạc của Ni sư Thuần Chơn, Ban tổ chức cung thỉnh chư Tôn đức Chứng minh thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Triển lãm. Tiếp đó, cung thỉnh quý Ngài và quan khách tham quan khuôn viên trưng bày Thánh tượng Tổ Đại Ái Đạo - Người khơi nguồn mạch sống tâm linh cho Ni giới; gương đạo hạnh của Thập Đại Đệ Tử Ni - những bật hiền giả xuất chúng thời đức Phật còn tại thế, đã góp phần viết nên trang sử vi diệu, ngát hương Giới – Định – Tuệ. Bên cạnh đó là chân dung của chư vị Ni trưởng tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ; hình ảnh hoạt động Phật sự của chư Ni các quận, huyện trực thuộc Phân ban Ni giới Cần Thơ qua những chặng đường hình thành, ổn định và phát triển với nhiều hoạt động nổi bật. Khuôn viên triển lãm còn lưu giữ hình ảnh các tự viện Ni nổi tiếng tại Thành phố Cần Thơ, như chùa Thiên Quang, chùa Bảo An, Tịnh xá Ngọc Liên, với lối kiến trúc mang dấu ấn đặc thù của vùng miền Tây sông nước.
Bên cạnh những dấu ấn văn hóa tiêu biểu, triển lãm lần lượt giới thiệu đến chư Tôn đức các tác phẩm văn hóa đặc sắc, được thiết trí, trưng bày sinh động. Điểm dừng chân đầu tiên là bản đồ đất Việt được làm nên từ 700 chậu lúa tượng trưng cho “Cần Thơ gạo trắng nước trong” và 400 ngôi chùa như lời chào mừng quý quan khách đến với Cần Thơ. Tiếp đến là loạt thắng cảnh thu nhỏ của Chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, cầu Cần Thơ,... Hoạt cảnh quê hương này có lẽ là dấu ấn khó quên nhất, để lại nhiều ấn tượng trong lòng quý quan khách tham quan.
Chương trình triển lãm nằm trong chuổi sự kiện chào mừng Đại lễ Tưởng niệm đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại TP. Cần Thơ năm 2024, nói lên tinh thần kết nối giữa các thế hệ, các vùng miền nhưng vẫn giữ được nết đặc trưng riêng biệt. Buổi lễ Khai mạc kết thúc, những trưng bày trong triển lãm vẫn sẽ được tiếp tục trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ Tưởng niệm.
Được biết, sáng sớm cùng ngày, phái đoàn chư Tôn đức Ni trong Ban tổ chức đã đến nghĩa trang liệt sĩ TP.Cần Thơ thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, chư vị tiền bối hữu công hy sinh thân mình bảo vệ tổ quốc.
Phái đoàn do: NS. Thích Nữ Như Hương - Trưởng PBNG Phật giáo TP.Cần Thơ làm trưởng đoàn, cùng chư Tôn đức Ni Phó Thường trực, Phó Phân ban và thành viên PBNG TP.Cần Thơ.
Trước đài tưởng niệm, chư Tôn đức Ni đã đặt vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ” và thắp nén hương tưởng niệm sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người con ưu tú của quê hương đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân và nguyện cầu cho Đại lễ được diễn ra thành công tốt đẹp.
Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ sẽ chính thức diễn ra lúc 8g ngày 14/4 tại Thiền viện Trúc lâm Phương Nam.
Chợ nổi Cái Răng được tái hiện lại ngay trong khuôn viên Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam – Nơi diễm ra lễ chính thức ngày mai 14/4/2024
PV