Năm 2023 là thời điểm rất đặc biệt với McLaren khi thương hiệu không chỉ kỷ niệm 60 năm thành lập nên một trong những đội đua Formula 1 nổi bật, mà còn phát triển trong lĩnh vực siêu xe thể thao với những đột phá tiên phong trong công nghệ, hiệu suất ấn tượng, thiết kế đậm hơi thở tương lai và kẻ khởi đầu trong sân chơi hybrid - điện khí hoá. Nhưng để tất cả tập thể McLaren tạo dựng được vị thế của ngày hôm nay, tất cả đều bắt đầu từ nhà sáng lập - Bruce McLaren.
Và trong suốt đoạn đường dài sáu thập kỷ, Artura cuối cùng đã ra đời như kết quả từ sự nhất quán tiếp nối của tầm nhìn mang trải nghiệm từ đường đua đến đường trường cùng với những nỗ lực tiếp cận và phát triển không ngừng nghỉ của những người ở lại sau Bruce McLaren. Sự ra đời của Artura là niềm tự hào của McLaren bởi chiếc xe sở hữu hiệu suất, công nghệ và thiết kế mang tính biểu tượng trong phân khúc siêu hybrid, đồng thời là cái tên tiên mang vị thế khó lay chuyển của McLaren phong trong sân chơi điện khí hoá toàn cầu hiện nay.
Bruce McLaren thừa hưởng niềm đam mê tốc độ từ người cha Leslie McLaren
Bruce McLaren – Không chỉ đơn giản là một tay đua
Niềm đam mê tốc độ và tình yêu dành cho những cỗ máy của nhà sáng lập kiêm tay đua và kỹ sư Bruce McLaren thừa hưởng từ người cha Leslie McLaren. Cha ông là một người thợ điện máy, có một xưởng sửa xe nhỏ và cũng rất hứng thú với bộ môn đua xe thể thao bấy giờ. Đam mê về xe đua thật sự được khơi dậy khi cha của Bruce mang về một chiếc Austin Ulster. Bruce được cho phép tham gia sửa xe cùng với cha mình. Ông mất hơn một năm để hoàn thành chiếc xe đầu tiên của mình và bắt đầu tập luyện những kỹ năng lái xe tại các đồi dốc hoặc trong sân đua.
Năm 15 tuổi, ông bắt đầu tham gia những cuộc đua nhỏ gần nơi mình sống và tài năng của Bruce bắt đầu được chú ý. Năm 20 tuổi, tại giải đua Grand Prix New Zealand, Bruce kết thúc ở vị trí thứ 5 và đây chính là cơ hội mở đường cho sự nghiệp sau này của mình.
Ở tuổi 21, ông được ưu ái hỗ trợ theo chương trình “Driver to Europe” bởi Hiệp hội Grand Prix quốc tế tài trợ, đưa ông và người bạn Colin Beanland (với tư cách là kỹ thuật viên hỗ trợ Bruce) từ quê nhà đến nước Anh và gia nhập đội đua Cooper Cars với mục tiêu xây dựng một đội đua vững chắc cho giải đua Công Thức 2 (Formula 2/F2) – giải đua với các xe đua tham gia có động cơ mã lực chỉ bằng một nửa so với xe đua của giải Công thức 1 (Formula 1/ F1).
Tiếp nối sau đó là những thành tích ấn tượng tại giải đua Công Thức 1 (Formular 1 / F1), Bruce McLaren đã thành lập một đội đua riêng cho mình, lấy tên Bruce McLaren Motor Racing Ltd (BMR) vào năm 1963. BMR chính thức tham dự giải đua Công Thức 1 vào năm 1966 và giành được nhiều thành tích. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn tham gia nhiều thể thức khác như Can-Am hay 24 Hours of Le Mansvà giành được nhiều chiến thắng ấn tượng.
Hiện tại, McLaren Racing là một trong những cái tên hàng đầu tại hàng loại các giải đua nổi tiếng thế giới như: Công Thức 1, Indycar và giải đua địa hình Extreme E.
Những công nghệ được McLaren nghiên cứu, thử nghiệm không ngừng nghỉ và ứng dụng trong các giải đua đều được sử dụng và liên tục nâng cấp trên những dòng xe thương mại của McLaren Automotive, đó là những công nghệ tiên phong làm nên danh tiếng của McLaren như việc ứng dụng và cải tiến Hệ thống Khung gầm siêu nhẹ bằng sợi carbon, thiết kế đề cao tuyệt đối tính khí động học, hệ thống động cơ điện…
Từ ngày đầu thành lập đến suốt chặng đường phát triển đến hiện nay, McLaren luôn tuân thủ tôn chỉ của người sáng lập để tạo lập vị thế riêng của một thương hiệu siêu xe sản xuất và vận hành độc lập. Với thế mạnh trong công nghệ và bề dày lịch sử trên những cung đường đua danh giá, McLaren luôn tuân theo tầm nhìn, tham vọng của Bruce McLaren và luôn không ngừng hướng đến những gì tốt nhất để mang đến cho sân chơi thương mại cảm giác lái phấn khích, trải nghiệm công nghệ cao, và đặc biệt là tính tiên phong trong sân chơi điện khí hoá - hybrid với Artura là kết quả từ sự "thai nghén" đáng tự hào.
Artura là mẫu xe đầu tiên sở hữu cấu trúc Cấu trúc Sợi Carbon Trọng lượng nhẹ (MCLA) giúp xe có khối lượng khô tối thiểu chỉ 1,395 kg
Mang những di sản từ thánh đường tốc độ đến sân chơi thương mại
Với sự góp mặt trong nhiều giải đua khác nhau, McLaren Group đã đầu tư và nghiên cứu nhiều công nghệ cho các mẫu xe đua. Đa số những công nghệ này đã và đang được áp dụng trên nhiều mẫu xe thương mại được McLaren Automotive phân phối.
Một trong những chi tiết đặc biệt dễ dàng nhận ra đó chính là hệ thống khí động học chủ động với cánh gió sau kích thước lớn. Cơ cấu hoạt động tương tự như hệ thống DRS trên các mẫu xe Công Thức 1, vừa là một phanh gió chủ động khi cần thiết. Ngoài ra, các công nghệ đặc thù như khung gầm sợi carbon, hệ thống động cơ hybrid… cũng được thương hiệu áp dụng trên các thiết kế mới nhất của mình.
Và với vị thế của người tiên phong với những nền tảng mạnh mẽ về tốc độ cũng như sức mạnh, mọi thiết kế của McLaren đều được thương hiệu trang bị khung gầm carbon.
Sợi carbon và những ứng dụng của chất liệu này là một trong những ưu điểm của McLaren được thừa hưởng từ những giải đua. Tuy được biết đến từ thế kỷ 19, nhưng phải đến giữa thế kỷ 20 con người mới chú ý đến đặc tính ưu việt của sợi carbon. Với sức bền đáng kinh ngạc, chất liệu này được ứng dụng lần đầu trong ngành hàng không vũ trụ. Cùng sự phát triển ngày càng tiến bộ, sợi carbon dễ dàng được tiếp cận đối với nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi.
McLaren là một trong những hãng xe tiên phong khi lần đầu tiên sử dụng sợi carbon để làm khung gầm cho mẫu xe đua Thể Thức 1 McLaren MP4/1. Và kể từ thời điểm đó, tất cả mọi mẫu xe McLaren đều có một đặc điểm chung là khung gầm được chế tác từ sợi carbon. Cấu trúc này mang đến khả năng tinh giảm khối lượng tuyệt vời, một cảm giác lái độc nhất vô nhị, sức bền tối ưu trong mọi hoàn cảnh cũng như độ an toàn cho người lái và hành khách. Không dừng lại ở kết cấu này, McLaren còn đem lên những phiên bản thương mại các công nghệ được dày công nghiên cứu và thử nghiệm trực tiếp ngay tại đường đua, một đặc điểm không phải thương hiệu nào cũng có điều kiện tương tự.
Tôn chỉ mang tinh thần đường đua đến đường trường từ khi thương hiệu được khai sinh đã được McLaren tuân thủ và hiện thực hoá cụ thể với nhiều phân khúc như: Dòng Grand Tourer (GT) hướng đến tinh thần thanh lịch và phong cách sống với McLaren GT; dòng Ultimate với những siêu phẩm được mong chờ và khao khát với số lượng cực kỳ giới hạn như Senna, Senna GTR, Speedtail, Elva, Sabre; và cuối cùng đó là dòng Supercars những cái tên quá đình đám trong thế giới siêu xe như 720S – 720S Spider, bản nâng cấp 765LT – 765LT Spyder.
Ngay lúc này, Artura – mẫu xe thể hiện trọn vẹn cho sự giao thoa giữa tính công nghệ tiên phong song hành với tinh thần đường đua từ khi thành lập trong suốt hành trình phát triển 60 năm của McLaren Automotive.
Gìn giữ DNA đặc trưng về trọng lượng siêu nhẹ trứ danh của lịch sử thương hiệu
Artura đã đem đến với những kỹ sư và nhà thiết kế tại McLaren cơ hội vượt qua những giới hạn về mặt kỹ thuật, giữ nguyên cấu trúc siêu nhẹ đặc trưng của thương hiệu và kết hợp thành công hệ thống hybrid hoàn toàn mới, bao gồm động cơ điện và bộ pin. Nhằm đáp ứng những yêu cầu khắc khe về mặt khối lượng, McLaren đã ra mắt Cấu trúc Sợi Carbon Trọng lượng nhẹ (MCLA - McLaren Carbon Lightweight Architecture).
Artura là mẫu xe đầu tiên sở hữu cấu trúc MCLA - một chuẩn mực mới dành cho thiết kế khung gầm nâng cao của McLaren, cùng hệ thống động cơ điện nhỏ gọn cùng việc tinh giảm dây dẫn, giúp Artura có khối lượng khô tối thiểu chỉ 1,395 kg - giúp tối ưu hóa cho thế hệ động cơ mới của dòng xe hybrid hiệu suất cao. Tổng khối lượng của hệ thống động cơ hybrid chỉ nặng khoảng 130 kg (bao gồm bộ pin điện 88 kg và động cơ điện 15.4 kg), làm giảm tổng khối lượng ướt của xe chỉ ở mức 1,498 kg.
Sự quyến rũ từ những đường nét thiết kế đặc trưng của dòng xe hiệu suất cao đi cùng những tuỳ chọn cá nhân hoá
Artura sở hữu thiết kế đặc trưng của xe hiệu suất cao – đầu xe thấp, khoang lái đặt trước cùng phần đuôi vuốt cao dần về sau. Cụm đèn pha của xe sử dụng công nghệ LED cùng hệ thống chiếu sáng tự động. Bên cạnh đó là bộ cửa mở đặc trưng của McLaren vẫn được giữ nguyên, kết hợp cùng thiết kế trục cơ sở ngắn và trọng tâm hạ thấp.
Dựa theo nguyên lý thiết kế “Everything for a reason” – “Tất cả đều có ý nghĩa” của McLaren, Artura thừa hưởng đường nét ngoại thất giúp tối ưu hóa mục đích khí động học và làm mát động cơ. Đơn cử như thiết kế cản trước sở hữu thiết kế đặc trưng của những mẫu xe hiệu suất cao và mang đậm tính tương lai với thiết kế ngoại thất góp phần giúp gia tăng tính khí động học. Có thể nhắc đến như phần hốc gió ở cản trước điều hướng không khí áp suất cao được tạo ra từ bánh xe ở tốc độ cao thoát ra theo đường thân xe.
Phần lưới ở đuôi xe lấy cảm hứng từ Elva, vị trí của hệ thống xả cũng được thiết kế giống với 720S. Khoảng duới của Artura khá rộng, giúp các bộ phận khuếch tán không khí được thiết kế lớn hơn, gia tăng độ bám đường và và hiệu suất khí động học.
Phần ốp điều hướng gió - kết nối đuôi sau với phần mui - có nhiệm vụ điều hướng phần gió ở phía trước đi vào phần đuôi xe nhằm khuếch tán phần khí nóng. Kết hợp với ống xả được đặt giữa nắp đuôi xe, phần khí nóng cũng dễ dàng thoát ra ngoài giúp tối ưu hoá việc làm mát động cơ.
Lần đầu tiên công nghệ lốp xe Cyber Tyre được Pirelli áp dụng riêng cho Artura, với mỗi con chip được cài đặt bên trong lốp xe có khả năng cung cấp các dữ liệu về áp suất, nhiệt độ bánh xe trong thời gian thực và từ đó hỗ trợ cho hệ thống cân bằng điện tử của Artura, hệ thống sẽ cảnh báo đến ngừoi cầm lái khi nhiệt độ lốp xe vượt qua mức tối đa.
McLaren sở hữu 37 màu sơn ngoại thất có sẵn - trong đó có 6 màu tiêu chuẩn, 16 màu thuộc bộ sưu tập Elite và 15 màu thuộc bộ sưu tập MSO. Khách hàng có thể làm việc với đội ngũ MSO Bespoke để tạo ra một màu sơn, hiệu ứng hoặc hình vẽ trên xe theo ý muốn của mình, giúp cho chiếc xe mang tính cá nhân hoá và đặc biệt hơn.
Bên cạnh gói nội thất tiêu chuẩn thì McLaren còn mang đến cho khách hàng 2 gói nội thất khác là Pioneer và Luxe với loại da và các kiểu phối màu khác nhau.
- Pioneer: phong cách thể thao và kĩ thuật, là sự kết hợp giữa da Softgrain Aniline và da lộn Alcantara siêu nhẹ. Bao gồm 2 kiểu phối màu là màu đen Jet Black và và màu đỏ rượu Barolo.
- Luxe: phong cách hiện đại và nhấn mạnh vào sự xa xỉ, da Softgrain Aniline được sử dụng xuyên suốt ở khoang cabin với các màu sắc như đen Jet Black, màu da bò Vintage Tan hoặc màu trắng ngà Porcelain.
Khi đến với MSO Bespoke, khách hàng có thể tuỳ biến lựa chọn phần da của khoang nội thất làm bằng vải cashmere, siêu mềm và mịn chưa từng được sử dụng trên bất kì những chiếc siêu xe nào.
Bên dưới lớp áo quyến rũ là sức mạnh ấn tượng của "trái tim" hybrid
Bên dưới vẻ đẹp mang hơi thở tương lai quyến rũ là khối động cơ đốt trong V6 đặt giữa đầu tiên của McLaren, sản sinh công suất tối đa 585 mã lực và mô-men xoắn cực đại 584 Nm với giới hạn vòng tua máy lên đến 8,500 vòng/phút. Hệ thống plug-in hybrid bao gồm một động cơ điện khối lượng nhẹ 95 mã lực, tích hợp trực tiếp vào hộp số và được cung cấp năng lượng bởi bộ pin điện 7.4 kWh. Công suất tổng hợp của Artura lên đến 680 mã lực và mô-men xoắn 720 Nm, được truyền đến cầu sau thông qua hộp số 8 cấp ly hợp kép hoàn toàn mới.
McLaren đã thiết kế hệ thống hybrid của xe có khả năng tái tạo năng lượng thông qua quá trình đạp ga nhẹ hoặc phanh lại. Và đó cũng là phương pháp duy nhất để phục hồi năng lượng. Đây không phải là một hệ thống hybrid điển hình với việc sử dụng hệ thống phanh tái tạo hỗn hợp, vì McLaren muốn mang đến cảm giác chân ga nhất quán. Bộ pin điện có thể được sạc từ 0% đến 80% trong 2.5 tiếng. Khi được sạc đầy, Artura sẽ cung cấp phạm vi hoạt động thuần điện hơn 30 km nếu lái trong điều kiện từ tốn.
Hộp số 8 cấp hoàn toàn mới của Artura không có cấp số lùi. Chiếc xe thực hiện thao tác này nhờ vào bộ motor điện phụ trợ. Tích hợp với hộp số là một hệ thống khóa vi sai biến thiên điều chỉnh điện nhằm thay đổi lực kéo theo nhu cầu. Trong khi đó, những dòng xe McLaren trong quá khứ thường sử dụng hệ thống phanh để điều chỉnh lực kéo ở từng bánh.
Tinh thần tối giản là cuộc cách mạng hướng đến sự tập trung tuyệt đối vào cảm giác lái
McLaren mang đến một cuộc cách mạng trong thiết kế nội thất với cách bố trí bên trong tối giản, nhọn gọn nhằm phục vụ tối đa cho người lái. Cụm đồng hồ và phím chức năng được gắn trực tiếp lên cột điều khiển để đảm bảo tầm nhìn ở mọi vị trí ngồi. Các phím chức năng trên vô lăng được lược bỏ để tập trung tối đa vào việc cầm lái. Phím chuyển đổi chế độ lái được dịch chuyển từ bảng taplo ra phía sau vô lăng để có thể dễ dàng điều chỉnh mà không cần rời tay khỏi vô lăng.
Artura có 4 chế độ khác nhau: Chế độ Electronic (E-mode) – xe vận hành thuần điện điện, không dùng đến động cơ đốt trong. Chế độ Comfort - tối ưu hóa quãng đường cũng như hiệu suất, xe sẽ vô hiệu hóa động cơ đốt trong khi vận tốc của xe dưới 40 km/h. Chế độ Sport và Track - kích hoạt động cơ điện để bổ trợ cho động cơ V6.
Một trong những ưu điểm chắc chắn của Artura là khả năng đánh lái. McLaren đã lựa chọn công nghệ trợ lực thủy lực truyền thống nhằm mang đến cảm giác lái chân thực nhất.
ARTURA – "Người kế thừa" hội tụ trọn vẹn tinh thần luôn tiến bộ nhất suốt chặng đường 60 năm phát triển của McLaren Automotive
Công nghệ hybrid trên Artura nói riêng và của McLaren nói chung không chỉ tiết kiệm nhiên liệu hay khả năng hoạt động không tạo ra tạp âm với chế độ lái thuần điện. Công nghệ này còn giúp cải thiện hiệu suất cũng như độ phản hồi của hệ thống vận hành.
Dù không phải là mẫu xe hybrid đầu tiên của nhà McLaren nhưng nó lại là hậu bối hoàn hảo của McLaren P1 - mẫu xe hybrid đầu tiên vang danh trên những cung đường đua - được ra mắt vào năm 2013. Artura chính là sự kết tinh những gì tuy tính nhất của McLaren P1 với những kinh nghiệm quý báu trên đường đua lẫn đường trường, và mang những cải tiến ấn tượng để trở thành một mẫu xe hybrid thương mại tuyệt vời nhất với cảm giác lái đích thực.
Theo sát triết lý cơ khí siêu nhẹ, Artura là sự chắt lọc những đặc trưng của một chiếc McLaren – thiết kế ngoại thất độc đáo, hiệu suất vận hành vô song, cảm giác lái mạnh mẽ và những cải tiến không ngừng về mặt kỹ thuật – bên cạnh công nghệ động cơ điện bổ trợ giúp độ phản hồi chân ga nhạy bén hơn, giảm lượng khí thải và có khả năng vận hành hoàn toàn bằng điện với quãng đường tối đa 30 km.
Kể từ khi ra mắt, Artura chính thức đánh dấu một chương mới cho một McLaren, vốn đã là người tiên phong trong phân khúc xe điện khí hoá - hybrid hoá nói riêng, cũng như trong ngành công nghiệp siêu xe hiệu suất cao nói chung.
PV