Trong vài năm trở lại đây, Black Friday được cho là đã giảm sức hút với người Mỹ. Tuy nhiên, ngày thứ sáu ngay sau lễ Tạ Ơn hiện trở thành dịp người Mỹ chi đậm cho mua sắm online thay vì xếp hàng rồng rắn trước các cửa hàng bán lẻ.
Bill Park, một quản lý cấp cao tại công ty tư vấn và kiểm toán Deloitte, cho rằng doanh thu mua sắm trực tuyến đang ngày càng quan trọng hơn với các doanh nghiệp vào dịp Black Friday.
Xu hướng này càng lúc càng phổ biến hơn khi các công ty như Walmart và Amazon thiết lập cả hệ thống cửa hàng vật lý và thương mại điện tử. Theo phân tích từ các chuyên gia tư vấn bán lẻ, với những doanh nghiệp trên, bán được hàng quan trọng hơn việc nó diễn ra ở kênh nào.
Doanh thu của thương mại điện tử trong ngày Black Friday 2018 tăng 23% và chạm mốc 6 tỷ USD, theo số liệu từ Adobe Analytics. Con số trên được Adobe đưa ra sau khi theo dõi giao dịch của 80/100 nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Vào lễ Tạ Ơn hôm trước, doanh thu ước tính cũng đã tăng 28%, đạt 3,7 tỷ USD.
Doanh thu mua bán trực tuyến ngày càng quan trọng trong dịp Black Friday. |
Ở chiều ngược lại, công ty phân tích RetailNext chỉ ra doanh số tại các cửa hàng giảm từ 4 đến 7% trong hai ngày qua, trong khi lượt khách mua sắm cũng thấp hơn 5 đến 9% so với cùng kỳ năm trước. Hiện vẫn chưa có thống kê chính thức về chi tiêu của khách hàng tại kênh bán lẻ truyền thống.
Trong thực tế, việc các địa điểm mua sắm dần kém hấp dẫn với người Mỹ trong "ngày thứ sáu đen" đã bắt đầu từ vài năm trước. Theo RetailNext, doanh số những ngày cuối tuần dịp Black Friday tại các cửa hàng bán lẻ trên nước Mỹ năm 2017 giảm 8,9% và lượt khách mua sắm giảm 4,4%. Các chỉ số này trong năm 2016 cũng lần lượt giảm 4,2 và 4,4%.
Cùng lúc đó, công ty nghiên cứu thị trường ShopperTrak cũng cho biết số lượng khách ghé thăm các điểm mua sắm vào lễ Tạ Ơn và Black Friday 2018 giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm năm 2017 là 1,6%.
Lượt khách mua sắm tại các điểm bán lẻ truyền thống tại Mỹ dịp Black Friday đang giảm dần. Ảnh: Reuters. |
Brian Field, giám đốc cấp cao mảng tư vấn của ShopperTrak, cho rằng sự phát triển của thương mại điện tử là nguyên nhân chính tạo ra mức tăng trưởng âm vào dịp Black Friday đối với bán lẻ truyền thống những năm qua. Tuy nhiên ông cũng lưu ý đà giảm sút đang chậm lại và ngành bán lẻ có thể sẽ đạt được những kết quả tích cực từ đây đến cuối năm.
Nhiều chuyên gia bán lẻ khác nhận định các con số thống kê trong dịp Black Friday không còn là chỉ dấu cho toàn bộ mùa mua sắm cuối năm của người Mỹ khi xu hướng chi tiêu hiện tại sẽ tăng dần tới cuối tháng 12.
Liên đoàn Bán lẻ Hoa Kỳ cũng đưa ra dự báo doanh thu bán lẻ trong nước 2 tháng cuối năm sẽ tăng từ 4,3% đến 4,8% so với năm 2017, với con số ước tính từ 717,45 tỷ USD đến 720,89 tỷ USD. Trong khi đó, mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua chỉ là 3,9%.