Tiến Sỹ Phạm Sỹ Liêm từ trần vào hồi 16h49 ngày 30/11 (ngày 24/10 năm Mậu Tuất), hưởng thọ 88 tuổi. Lúc sinh thời, ông từng đảm trách các vị trí: Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam khóa I, II, III; nguyên Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam các khóa IV, V, VI, VII; nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị...
Ông còn là tác giả của nhiều sách nghiên cứu học thuật uy tín về quy hoạch, quản trị đô thị, phát triển hạ tầng, kinh tế đô thị... cùng nhiều tác phẩm báo chí trên các báo, tạp chí liên quan đến xây dựng, đô thị. Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm cũng được biết đến là một chuyên gia luôn đồng hành cùng báo chí, đưa ra những ý kiến, phản biện chính sách kịp thời và giá trị trong các lĩnh vực đô thị, hạ tầng, phát triển xã hội. Công trình nghiên cứu học thuật cuối cùng của ông là tác phẩm “Tân kinh tế học thể chế” (NXB. Tri Thức ấn hành tháng 9.2018).
Lễ tang do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà làm trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng làm phó ban. Sau lễ tang, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm được người thân trong gia đình, đồng nghiệpvà các cơ quan đoàn thể đưa về an táng tại nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì).
Sau đây là những hình ảnh tại lễ tang TS Phạm Sỹ Liêm:
Trọn một đời sống và làm việc, TS. Phạm Sỹ Liêm đã xác quyết phẩm giá ông là một trí thức khảng khái, một lãnh đạo tiến bộ, một chuyên gia đô thị hàng đầu, không ngại phản biện chính sách và sẵn sàng bày tỏ ý kiến trước các sự kiện xã hội. Những thế hệ đồng nghiệp của TS Phạm Sỹ Liêm bày tỏ lòng tiếc thương về một con người uyên bác và có nhiều đóng góp cho sự phát triển không chỉ trên lĩnh vực chuyên ngành mà ông cả một đời theo đuổi.
TS Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam):
Anh Phạm Sỹ Liêm người anh cả đầy nhiệt huyết có công lao to lớn trong việc thành lập, xây dựng và phát triển Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam (nay là Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) cả về tổ chức, hoạt động và xây dựng cơ sở vật chất.
Có những tấm gương của anh mà chúng tôi luôn tâm phục và học tập. Đó là sự tự học tập nâng cao trình độ để phục vụ cho công tác, anh là một cán bộ lãnh đạo ít có ở Việt Nam thông thạo 4 ngoại ngữ Nga, Trung, Anh, Pháp. Trong quá trình công tác lãnh đạo anh luôn tự mình viết bài, tham luận, chủ nhiệm đề tài, phản biện đề tài nghiên cứu khoa học, viết sách … với một khối lượng tư liệu rất lớn đầy trí tuệ và lòng nhiệt huyết với công việc.
Với anh tôi có những kỷ niện khó quên và công việc chung, năm 2003 rất khiêm tốn anh đã nói với tôi “Tôi chính thức mời anh về thay tôi làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Hội Xây dựng Việt Nam” (Lúc đó Anh Nguyễn Mạnh Kiểm nguyên Bộ trưởng là Chủ tịch Tổng Hội).
TS Phạm Sỹ Liêm phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về dự Luật Quy hoạch (Năm 2017).
Sau này đến năm 2012 tôi xin nghỉ không tham gia tái cử chức Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Khóa VII (2012-2017) anh dành cả buổi thuyết phục tôi tái cử Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Anh nói: “Tôi hơn Hùng 10 tuổi, vì sự ngiệp xây dựng và phát triển Tổng Hội tôi đề nghị anh tiếp tục tái cử và tôi nguyện tham gia Phó Chủ tịch giúp anh thêm một nhiệm kỳ nữa”.
Mãi đến năm 2017 với tuổi cao, sức yếu anh mới chịu nghỉ lãnh đạo Tổng Hội nhưng vẫn rất quan tâm đến công việc của Tổng Hội với vai trò là cố vấn của Đoàn chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Ngay cả trước ngày mất 3 ngày, chuẩn bị hôm sau lên bàn mổ anh còn nói chuyện tâm tư với tôi liên quan đến pháp luật đất đai, quản lý đô thị . Nhớ mãi về anh dù trong người có nhiều bệnh nhưng anh vẫn lạc quan, nhiệt huyết truyền cảm hứng làm việc cho lớp thế hệ sau chúng tôi.
GS.TSKH. Phạm Hồng Giang ( Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, Chủ tịch Hội Đập Lớn và Phát triển nguồn nước VN):
Xin vĩnh biệt người thày kính mến!
Tin ông ra đi đến với tôi thật đột ngột. Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn hồi lâu. Ông đã ra đi rồi ư? Đành rằng tuổi đã cao, nhưng ông vẫn hoạt động, vẫn nhiệt huyết, vẫn trăn trở chuyện khoa học, chuyện kinh tế, chuyện đời… cho đến phút chót. Ít hôm trước, trong các cuộc họp, hội thảo,.. ông vẫn phát biểu với giọng nói sang sảng mạnh mẽ, lập luận rất minh mẫn. Bẵng đi vài tuần, tôi mới được biết ông vừa qua một cuộc phẫu thuật, tuy hiểm nghèo nhưng sức khỏe đang có chiều hướng hồi phục. Hẹn với mấy anh em trong Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước cùng đi thăm ông. Nhưng không kịp, ông đã đi xa, rất xa rồi.
Ông là một trong những giảng viên đầu tiên của Đại học Bách khoa, khoa Xây dựng, được thành lập năm 1956. Cũng trong khoa Xây dựng, tôi theo ngành Công trình Thủy lợi, không được trực tiếp học ông, nhưng sau khi ra trường có một số hoạt động gần với ông trong lĩnh vực Cơ học và Kết cấu công trình. Đối với tôi, ông là bậc thầy thật đáng kính với trí tuệ uyên bác và nhân cách trong sáng.
Những năm công tác bên Thủy lợi, tôi không có dịp gặp ông. Mãi sau này khi nghỉ hưu, “đầu quân” vào Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tổ chức mà ông đã thành lập, gây dựng, dẫn dắt gần 40 năm trời, tôi mới lại được gần ông. Tuổi đã cao mà ông vẫn nhiệt tình trong rất nhiều hoạt động, viết sách, viết báo, phát biểu chính kiến trên các diễn đàn, góp ý phản biện các chủ trương của Nhà nước về các chính sách cụ thể cũng như về những vấn đề chiến lược trong nhiều lĩnh vực với những phân tích sâu sắc, những kiến giải độc đáo đầy thuyết phục. Ông rất chăm đọc sách, lại thông thạo đến mức có thể làm thơ bằng nhiều ngoại ngữ, nên kho kiến thức phong phú của ông không ngừng được bồi bổ làm chúng tôi luôn từ kinh ngạc đến thán phục.
Sinh hoạt giản dị, khiêm nhường, gần gũi và thông cảm với mọi người, ông được quý mến và nể trọng. Sinh thời ông đã luôn dành những quan tâm, động viên và tình cảm quý mến tới Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam, trong đó có cá nhân tôi.
Ông đã sống trọn vẹn cuộc đời của một người trí thức yêu nước, một người Việt chân chính. Ông ra đi, để lại cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp bao niềm thương tiếc khôn nguôi.
Theo nguoidothi.net.vn