Em là một học sinh khá trong nhóm tôi bồi dưỡng. Em tiếp thu và viết bài khá tốt. Bản thân tôi cũng kì vọng rất nhiều vào em. Thế nhưng chưa bao giờ tôi tạo áp lực cho em. Tôi thường động viên cả nhóm cố gắng để đạt kết quả cao. Gần ngày thi, các em tỏ ra rất lo lắng. Tôi phải làm tư tưởng mãi với các em. Với tôi, chỉ mong các em cố gắng hết sức, kết quả cuối cùng không quan trọng. Hãy coi đây như một sân chơi kiến thức thôi. Cuối cùng nhìn các em hồ hởi, vui vẻ tôi đã an tâm.
Ngày nhà trường thông báo kết quả, em đã khóc như mưa. Suốt tiết học bữa đó, em gục xuống bàn thổn thức. Tôi và bạn bè em phải động viên mãi em mới nguôi ngoai. Tôi mong em vượt qua nỗi buồn để phấn đấu tiếp trong các kì thi quan trọng tới đây.
Mọi chuyện tưởng rồi cũng qua. Thế nhưng suốt cả tuần nay, cứ vào tiết học của tôi là em lại ủ rũ buồn. Khi tôi hỏi thì em bảo không sao. Dường như em không tập trung được vào việc học. Ngay cả câu hỏi dễ em cũng không trả lời được. Khuôn mặt em hốc hác thấy rõ. Tôi bắt đầu lo lắng cho em.
Hết tiết học, tôi đã gặp riêng em để chuyện trò. Chỉ chờ có thế em lại nức nở khóc. Em bảo mình bị stress suốt một tuần nay. Ngày nào đi học về, mẹ cũng chì chiết em. Mẹ em vốn là một cô giáo cấp 3. Trong cuộc sống mẹ rất quan tâm đến việc học hành của con. Mẹ thường làm hết việc nhà để em tập trung vào chuyện học. Mẹ đặc biệt kì vọng vào kì thi học sinh giỏi này. Ngày nào mẹ cũng động viên em cố gắng. Mẹ không tiếc tiền để ôn luyện cho em. Nhiều lúc em không muốn đi học vì mệt mỏi. Thế nhưng mẹ cứ động viên em cần phải cố gắng. Mẹ mong em đền đáp công lao của mẹ dành cho em.
Nói đến đây em lại khóc. Em không ngừng trách bản thân mình đã phụ công mẹ và công cô giáo. Em buồn và thương mẹ vô cùng. Tối qua mẹ còn bảo em làm mẹ xấu hổ trước trường. Rồi mẹ lại so sánh em với con cô A và con thầy B... Chính vì vậy mà em buồn lắm. Giờ đây em chẳng biết phải làm sao nữa.
Sau khi nghe em trút nỗi lòng mình, tôi rất thương em. Tôi động viên em phải mạnh mẽ để vượt qua nỗi buồn này. Rằng em muốn mẹ vui thì phải cố gắng nhiều hơn nữa. Một lần thất bại không có nghĩa là mất tất cả. Tôi đã lấy mấy gương anh chị đi trước từng rớt học sinh giỏi nhưng sau này khá thành đạt. Thất bại là mẹ thành công mà. Trước mắt em sẽ là vượt qua kì thi học kì 1 tới đây, rồi còn kì thi tuyển sinh lớp 10 rất gay go nữa chứ. Muốn mẹ vui em cần phải cố gắng thôi. Phía trước em còn rất nhiều cơ hội để chứng tỏ mình... Dường như hiểu ra nên em cám ơn tôi và hứa sẽ cố gắng.
Hiện nay trong các trường học thì kì thi chọn học sinh giỏi luôn được quan tâm hàng đầu. Nhà trường luôn chú trọng đặc biệt vấn đề này. Ngay từ đầu năm, trường đã cho các em đăng kí rồi thi chọn học sinh giỏi vòng trường. Sau đó các em sẽ được bồi dưỡng để đi thi vòng huyện. Em nào đậu vòng huyện cao sẽ được chọn đi thi vòng tỉnh. Đây có thể coi là thành tích chung của cả trường. Các em được tạo điều kiện tối đa để ôn luyện. Chiều nào các em cũng đến trường để thầy cô bồi dưỡng. Những em đậu luôn được tuyên dương và trao giải thưởng khá cao. Vì vậy, ai đạt giải thì hãnh diện vui mừng. Ngược lại, ai bị rớt thì buồn và tủi thân nhiều lắm.
Các trường học thì luôn quan trọng hóa thành tích học sinh giỏi. Họ mong có học sinh giỏi để báo cáo thành tích. Phụ huynh cũng cùng suy nghĩ ấy. Các em khi đi thi luôn chịu nhiều áp lực. Nhiều em học khá nhưng vì áp lực quá mà kết quả cuối cùng lại không cao. Khi rớt buồn ở trường với bạn bè, thầy cô. Về nhà cha mẹ lại không ngừng mắng. Thành thử sau kì thi có em phải nhập viện vì trầm cảm. Thật là buồn và thương cho các em biết bao. Tất cả là do bệnh thành tích mà ra.
Mong rằng các bậc phụ huynh đừng quá tạo áp lực cho con trong các kì thi. Phụ huynh nên nhớ người đạt giải chưa chắc là người giỏi nhất. Ngược lại, người rớt chưa chắc đã dở. Nhiều em trượt trong kì thi học sinh giỏi nhưng vẫn đậu trường chuyên, lớp chọn với số điểm cao. Vì thế thành tích học sinh giỏi cũng chưa nói lên được điều gì. Quan trọng là phụ huynh biết động viên con nỗ lực phấn đấu vươn lên sau mỗi lần thất bại.
Loát Trần
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo dantri.com.vn