Thu Quỳnh đã thoát khỏi vai My Sói trong phim “Quỳnh búp bê” để lột tả một cô gái thuần chất nông dân, trong sáng, lương thiện.
Trong suốt hai giờ đồng hồ xem Cậu Vanya, khán giả im phăng phắc, không một tiếng chuông điện thoại… Họ đã được khuyến cáo tuyệt đối giữ trật tự khi xem từ lúc mua vé online bởi nghệ sĩ diễn sẽ thoại bằng giọng thật không dùng âm thanh khuếch đại và microphone. Chỉ khi vở diễn kết thúc, rạp hát mới rộ lên những tràng pháo tay vang dội…
Vở kịch xoay quanh cuộc sống của những người lao động ở tầng lớp bị coi là “bé nhỏ” (đại diện cho nhân vật cậu Vanya và cô cháu Sonya), họ làm việc cần cù và vất vả, phục tùng những kẻ bất tài, giả dối, kiêu ngạo một cách mù quáng và lầm tưởng rằng đang phụng sự cho một lý tưởng cao đẹp. Cơn uất ức phẫn nộ khi phát hiện ra sự thật của những người nhỏ bé ấy cũng không thể kéo dài hay đủ mạnh để đưa tới những quyết định bước ngoặt nhằm thay đổi cuộc đời. Bởi lẽ, họ tin rằng thân phận hèn yếu của mình không thể thay đổi được cuộc sống xung quanh. Thế là họ buông xuôi, vòng luẩn quẩn của sự cam chịu, chấp nhận số phận cứ lặp đi lặp lại, chờ đợi với niềm tin rồi ngày mai cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn, họ sẽ được nghỉ ngơi…
“Lâu lắm tôi mới thấy một tác phẩm sang trọng và mang lại sự mê hoặc, chinh phục được khán giả như Cậu Vanya. Những người làm nghệ thuật sân khấu Việt đều không thể không nể phục cách xử lý không gian sân khấu mang tính đương đại và ước lệ của đạo diễn và ê kíp sáng tạo. Đơn cử như việc xử lý những ghế cao ngất ngưởng để diễn tả sự đè nén của các nhân vật bé mọn trong kịch đã thấy được sự ẩn ý sâu xa mang tính hình tượng. Chúng tôi được chứng kiến sự thăng hoa của các nghệ sĩ qua từng vai diễn, từng tính cách nhân vật với những nỗi đam mê, dằn vặt”, ông Trương Nhuận, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã chia sẻ những cảm xúc của mình sau đêm diễn. NSND Doãn Châu, một họa sĩ khá kỹ tính khi làm sân khấu kịch kinh điển nhận định: “Cá nhân tôi làm thiết kế trang trí mỹ thuật, tôi vẫn thèm một không gian trang trí sân khấu đậm chất Nga hơn. Tuy nhiên, Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ đã có một cách giải thích, cách giải mã rất châu Á. Không phủ nhận cách kể này của đạo diễn người Nhật rất hiện đại và hấp dẫn”.
Đạo diễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama đã giành giải thưởng đạo diễn xuất sắc với vở Chim hải âu của Chekhov tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội năm 2016, ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã bị chinh phục bởi tài năng của vị đạo diễn Nhật Bản này. Ngay thời điểm ấy, Nhà hát đã bỏ chi phí mời đạo diễn tài năng này về làm workshop biểu diễn cho các nghệ sĩ của đơn vị. Và sau đó quyết định mời đạo diễn dàn dựng tác phẩm Cậu Vanya”.
Theo baovanhoa.vn