Với chủ đề “Xây dựng lại Tốt hơn sau Đại dịch: Nhìn từ Chuỗi cung ứng trong giai đoạn bình thường mới”, báo cáo của TMX chỉ ra rằng 68% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và 40% lãnh đạo toàn khu vực nói chung đã và đang đầu tư vào chiến lược đa kênh như một phương thức xây dựng nền móng vững chắc để phát triển trong tương lai. Mặt khác, 76% tại Việt Nam (46% toàn khu vực) cũng xem việc đầu tư vào mô hình bán hàng đa kênh là ưu tiên hàng đầu trong 3 đến 5 năm tới.
Xu hướng này nhất quán với thực tế xã hội trong giai đoạn hiện tại, khi người tiêu dùng đã quen dần với việc mua hàng qua kênh thương mại điện tử, đồng thời họ cũng bắt đầu quay trở lại phương thức mua sắm truyền thống khi các hạn chế giãn cách được nới lỏng. Do đó, tiếp cận đa kênh trở thành một chiến lược phù hợp giúp doanh nghiệp đảm bảo sự hiện diện liên tục và mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.
Dưới sự ủy nhiệm của TMX - công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, báo cáo đã tiến hành khảo sát trên 250 lãnh đạo và giám đốc điều hành cấp cao trong hàng loạt ngành kinh doanh khác nhau, từ tiêu dùng nhanh, hậu cần, thương mại điện tử, bán lẻ và sản xuất khắp các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Riêng Việt Nam, số lượng lãnh đạo tham gia khảo sát lên đến 50 người.
Ông James Christopher, Chủ tịch TMX khu vực Châu Á cho biết, những nhận thức sâu sắc về hàng loạt thách thức doanh nghiệp phải đương đầu trong hai năm đại dịch đã được các nhà lãnh đạo đúc kết thành bài học kinh nghiệm quý giá để cải thiện chuỗi cung ứng và hoạt động của họ trong tương lai.
“Không thể phủ nhận rằng đại dịch đã mang đến những thay đổi bước ngoặt trên toàn bộ thị trường trong khu vực. Chúng ta nhận ra những thử thách và giới hạn của chuỗi cung ứng khi phải đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dữ liệu từ báo cáo đã chỉ ra rằng trong cái rủi có cái may, hàng loạt cơ hội và xu hướng phát triển mới được khởi tạo từ những thử thách chúng ta phải vượt qua”, ông chia sẻ.
“Bối cảnh đại dịch giúp lãnh đạo doanh nghiệp nhanh chóng xác định những lĩnh vực cần cải tiến và đầu tư để xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn. Từ đó, doanh nghiệp có thể chuẩn bị hành trang tốt hơn để vượt qua những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai, ngay cả khi biến thể mới Omicron xuất hiện. Chúng tôi kỳ vọng rằng, bức tranh xã hội những năm tiếp theo sẽ được vẽ nên bởi hàng loạt điểm sáng trong nỗ lực số hoá chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự đa dạng hóa và tăng trưởng của kinh doanh”, ông Christopher cho biết thêm.
Đồng thời, những số liệu chi tiết từ báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp ngày nay đã nhận thức sâu sắc về vai trò của việc đa dạng hoá chuỗi giá trị ở bất kỳ hạng mục nào, từ hậu cần bên thứ ba (3PL), hay đơn vị cung ứng đến chu trình vận tải. Họ hiểu đây chính là chìa khoá mở đường vượt qua những khó khăn để tiếp tục phát triển sau đại dịch.
Từ đó, khoảng 62% doanh nghiệp Việt Nam và 52% doanh nghiệp toàn khu vực tham gia khảo sát đã bắt đầu đa dạng hóa các nguồn cung ứng của họ. Đồng thời, 34% tại Việt Nam và 35% toàn khu vực chủ động đánh giá và nhìn lại về sự phụ thuộc của họ vào các đơn vị cung cấp bên thứ ba.
Đặc biệt ở Việt Nam, các mô hình và cách thức kinh doanh mới đã xuất hiện sau đại dịch. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), một trong những chiến lược chính mà doanh nghiệp thực hiện là đa dạng hóa nhà cung cấp để hạn chế tối đa rủi ro. Bằng cách như vậy, các doanh nghiệp sẽ có các nhà cung cấp sẵn sàng thay thế và là nguồn dự phòng ổn định để hỗ trợ ngay khi xuất hiện sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
“Chúng tôi nhận thấy một xu hướng mới đang được triển khai trong một số lĩnh vực dịch vụ chẳng hạn như logistics thương mại điện tử (e-logistics). Một số doanh nghiệp bắt đầu chú trọng đầu tư xây dựng những cơ sở kho hàng quy mô nhỏ tại các quận huyện khác nhau nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một trung tâm giao hàng duy nhất để có khả năng thích ứng linh hoạt, giúp đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng trong trạng thái bình thường mới”, theo lời PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLA/VLI).
Dự đoán về tương lai, báo cáo chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo cần trở thành những người tiên phong trong việc bắt kịp làn sóng số, bảo đảm chuỗi cung ứng trực tuyến kết hợp nhịp nhàng với chuỗi cung ứng trực tiếp để đảm bảo khả năng hiển thị toàn diện hơn cho doanh nghiệp. Theo khảo sát của TMX, 80% lãnh đạo toàn khu vực và 60% lãnh đạo Việt Nam tin rằng sẽ có nhiều ứng dụng công nghệ và công cụ kỹ thuật số được triển khai trong tương lai. Đồng thời, 82% (toàn khu vực) và 58% (Việt Nam) khẳng định họ sẽ ưu tiên áp dụng các giải pháp số trong hoạt động kinh doanh nếu không gặp phải những rào cản về chi phí sau đại dịch.
Tính bền vững được kỳ vọng sẽ tiếp tục được nâng cao trong các chương trình nghị sự của cộng đồng lãnh đạo doanh nghiệp trong toàn khu vực. Họ thừa nhận các cam kết về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) là điều cần thiết để xây dựng giấy phép xã hội trong lĩnh vực kinh doanh. Điều thú vị là 30% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam và 36,2% doanh nghiệp toàn khu vực đang trong quá trình phát triển hoặc đã và đang áp dụng các tiêu chuẩn để đảm bảo cam kết ESG.
“Toàn nhân loại đang bước vào thời kỳ “bình thường mới” sau đại dịch. Đây chính là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp bắt đầu áp dụng những kinh nghiệm đã học vào thực tế. Với kiến thức thu thập được từ những kinh nghiệm đối phó với đại dịch trong hai năm qua, đội ngũ tại TMX luôn mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp trong khu vực nói chung và tại Việt Nam nói riêng, để giúp họ tối ưu hoá chuỗi cung ứng và mở rộng hoạt động kinh doanh”, ông Christopher khẳng định.
PV