Buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ hơn 20 Hiệp hội tại TPHCM và các tỉnh lân cận.
Phát biểu tại tọa đàm, T.S Trần Du Lịch có những nhận định bao quát về tình hình hoạt động của Hiệp hội, Hội viên trong thời gian qua. Là cầu nối giữa các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi, thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Hội viên trong bối cảnh hội nhập kinh tế - quốc tế hiện tại. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động của Hiệp hội vẫn chưa đạt được hiệu quả cao do tác động từ nhiều yếu tố như nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính...
Với bối cảnh này, đòi hỏi các Hiệp hội phải càng chủ động hơn, đặc biệt là trong công tác phối hợp với các tổ chức chuyên môn, cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động triển khai. Qua đó, Hội viên Hiệp hội sẽ được trang bị nhiều hành trang thiết yếu để nhanh chóng hội nhập, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Cũng tại tọa đàm, ông Trần Hữu Hậu - Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa) - cho rằng, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hội viên Hiệp hội gặp không ít các khó khăn không chỉ trong vấn đề sản xuất, phân phối mà quan trọng hơn là vấn đề về chính sách, pháp lý.
Do đó, để khắc phục các điểm yếu này, tạo nền tảng tốt cho sự hội nhập sâu rộng trong tương lai, cần sự phối hợp với các tổ chức chuyên môn như VCCI và VIAC là cần thiết. Theo các Hiệp hội, cần sớm có cơ chế phối hợp với cách thức rõ ràng giữa các bên, nhằm hỗ trợ cho các hội viên các hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt nam nói chung một cách hiệu quả và tốt nhất.
Nhằm cụ thể hóa vai trò của đơn vị phối hợp, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh – cam kết, VCCI sẽ là kênh kết nội cho Hiệp hội và các cơ quan nhà nước, cơ quan chuyên môn. Đồng thời, VCCI cũng sẽ là đơn vị cùng đồng hành, lắng nghe và phối hợp với Hiệp hội giải quyết các vấn đề từ phía hội viên, đồng thời đưa ra các phương án, định hướng phù hợp, lâu dài.
Trong thời gian tới “Định hướng ưu tiên hàng đầu của VCCI vẫn là phản biện và góp ý xây dựng chính sách, pháp luật. VCCI sẽ tận dụng các nguồn lực nội tại của các bên tham gia, đồng thời khai thác tối đa các nguồn lực xã hội bên ngoài như sự hỗ trợ các dự án tài trợ của quốc tế cho Việt Nam… Qua đó, hỗ trợ cho các DN từ việc góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, tư vấn trong kinh doanh, giải quyết tranh chấp, đào tạo các kỹ năng cho hoạt động kinh doanh của DN…” - ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.
Với góc tiếp cận về vấn đề pháp lý, luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC cho biết, khi gặp các vấn đề về pháp lý hoặc yêu cầu hỗ trợ pháp lý từ phía hội viên, điều tra cho thấy, 45% các hiệp hội tự mày mò tìm hiểu và giải quyết, 25% tham vấn ý kiến của luật sư và số còn lại xin hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, hiện chỉ có 35% tổng số hiệp hội có bộ phận chuyên trách về pháp luật.
PV