“Kẹp hạt dẻ: Giấc mơ thần tiên” là vở ballet nổi tiếng trên thế giới và tại nước ta, vở diễn cũng từng được dàn dựng nhiều lần. Vào tối nay 5/12, vở diễn sẽ được công diễn tại Hà Nội.
Vậy với phiên bản lần này sẽ có những điểm gì mới? Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam về vở diễn này cũng như những nỗ lực để đưa múa ballet đến gần hơn với công chúng.
NSƯT Trần Ly Ly- quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam
PV: Thưa chị, vở múa ballet “Kẹp hạt dẻ” lần này có những điểm mới nào?
NSƯT Trần Ly Ly: Vở “Kẹp hạt dẻ” có nhiều phiên bản trên thế giới. Nó như món quà giáng sinh, như giấc mơ thần tiên cho trẻ em trên toàn thế giới.
Năm nay, vở “Kẹp hạt dẻ” sẽ trình diễn với toàn bộ dàn nhạc giao hưởng, hy vọng sẽ có những cảm xúc rất khác khi có dàn nhạc giao hưởng dành cho múa balle.
Phiên bản 2018 được dàn dựng lại với tên gọi “Kẹp hạt dẻ- giấc mơ thần tiên”, lần này tôi mời biên đạo múa Lưu Thu Lan và NSƯT Hồng Phong tập kỹ càng và biên đạo dàn dựng lại từ những vở diễn trước để trở thành một phiên bản mới, có nhiều cái mới từ thiết kế, biến chuyển của vở diễn mang đến nhiều nét hấp dẫn.
PV: So với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác thì múa ballet vẫn khá kén người xem và số buổi biểu diễn vẫn còn ít ỏi, chị nghĩ sao về điều này?
NSƯT Trần Ly Ly: Vì nó quá khó nên không phải là đoàn nào cũng có thể làm được. Trong khi hiện nay về nghệ thuật giải trí, khán giả có nhiều lựa chọn thì lại càng khó. Thực ra Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam ra đời là để làm những nhiệm vụ đó. Cái khó mình làm được thì không sợ không có khán giả, vì họ sẽ trân trọng dần.
Trước mắt, chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng và tìm đường dẫn để khán giả đến với mình. Chúng tôi tin rằng khán giả sẽ ủng hộ.
PV: Rõ ràng cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể đưa bộ môn múa ballet đến gần hơn với công chúng, thưa chị?
NSƯT Trần Ly Ly: Múa ballet dưới con mắt nhìn người trẻ hiện nay cần hấp dẫn hơn nữa về mặt nhìn. Múa ballet hiếm khi dùng kỹ thuật cao, vì người ta tin rằng cái khó của động tác đó là đủ, không cần sự trợ giúp của các phương tiện như màn hình. Tinh hoa nằm ở kỹ thuật múa, cách thể hiện.
Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu xã hội, mình cần có sự hài hòa vừa có kỹ thuật múa, bên cạnh đó có sự hấp dẫn từ đạo cụ như cây thông xoay, phông màn nhiều lớp để lung linh hơn, hấp dẫn người xem. Đây là hướng mà Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tìm tới để ballet gần hơn với công chúng.
PV: Vâng, xin cảm ơn chị!
Theo vov.vn