Ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248 cho biết,mục đích của Diễn đàn nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Ban Tổ chức thông tin về diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2023.
Diễn đàn cũng là dịp để Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn gồm 3 hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề “Văn hóa kinh doanh – Dòng chảy phát triển và hội nhập”; Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2023; Tổ chức đoàn đại biểu doanh nghiệp tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành uỷ, UBND TP.HCM.
Các hoạt động của Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Sau thành công của năm 2021 và 2022, Chương trình xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023 tiếp tục được tổ chức nhằm tôn vinh và công nhận các doanh nghiệp đã áp dụng, thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn dựa trên Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí. Theo quy chế xét công nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình sẽ không phải đóng bất cứ một khoản kinh phí nào và Ban tổ chức xin phép không nhận tài trợ từ các doanh nghiệp nói trên.
5 Tiêu chí bắt buộc trong Bộ Tiêu chí “Văn hóa Kinh doanh Việt Nam” do VNABC ban hành. 1. Không buôn lậu, không trốn thuế Doanh nghiệp không có thông báo, quyết định xử phạt hoặc bản án của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan đến các vấn đề buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại. 2. Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại Doanh nghiệp không có thông báo, quyết định xử phạt, bản án của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 3. Không nợ lương và BHXH của người lao động Doanh nghiệp có xác nhận của Công đoàn và/hoặc cơ quan BHXH cho thấy doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ trả lương và đóng BHXH với người lao động theo quy định (Trừ những trường hợp bất khả kháng). 4. Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác Người quản lý, điều hành doanh nghiệp không bị toà án tuyên phạt do lừa đảo, lợi dụng uy tín của tổ chức hoặc cá nhân để chiếm đoạt tài sản hoặc gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác. 5. Không vi phạm pháp luật Không có bằng chứng cho thấy doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam và các văn bản pháp luật khác mà doanh nghiệp là đối tượng điều chỉnh. Đối với các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài không vi phạm pháp luật nước sở tại và các cam kết Quốc tế khác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước sở tại. Thông tin chi tiết về hồ sơ, cách thức tham gia Chương trình xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023 đăng tải tại đây. |
PV