Nhãn dán Ocean Action được làm hoàn toàn từ rác thải nhựa trôi ở đại dương bằng cách sử dụng phương pháp cân bằng khối lượng. OBP là chất thải nhựa không được xử lý hiệu quả và trôi nổi trong phạm vi 50km tính từ bờ biển, được định nghĩa bởi OBPCert là "mối hiểm nguy đối với môi trường đại dương". Chất liệu nhãn dán sáng tạo mới này đã được tạo ra nhờ vào quá trình hợp tác chặt chẽ, dày công giữa UPM Raflatac cùng nhiều đối tác trong chuỗi giá trị của sản phẩm.
Những phương pháp tái chế nhựa sau khi sử dụng không chỉ phải tuân thủ giá trị bền vững mà còn phải có hiệu quả về mặt thương mại là điều mà thế giới đang đặc biệt quan tâm. Liên Hợp Quốc cũng nhận ra nhu cầu ngày càng tăng cao của việc tái chế nhựa và đã đưa ra một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa trong năm 2021. Theo OBPCert ước tính, khoảng 80% lượng nhựa trên biển là do rác thải nhựa theo dòng chảy của sông, lũ lụt, thủy triều đi ra đại dương gây ra. Trong khi đó, chỉ có 10% chất thải nhựa được đưa đi tái chế, phần còn lại sẽ được tiêu hủy hoặc chôn lấp tại các hố rác nhưng vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên và môi trường biển. Giải pháp lý tưởng nhất cho vấn đề này chính là xây dựng nên một thị trường tiêu thụ sản phẩm được làm từ rác thải đại dương.
Bà Eliisa Laurikainen, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của UPM Raflatac cho biết: "Sáng kiến nhãn dán Ocean Action là bước mới nhất trong hành trình nỗ lực vượt ra khỏi sự phụ thuộc nguyên liệu hóa thạch của chúng tôi. Loại nhãn dán mới này không chỉ giúp giảm số lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương mà còn cung cấp cho các chủ sở hữu thương hiệu giải pháp giúp đạt được mục tiêu về hàm lượng tái chế bao bì. Vật liệu nhãn dán Ocean Action là một giải pháp dễ sử dụng, dễ đưa vào quy trình sản xuất và đặc biệt phù hợp với trong lĩnh vực ăn uống, mỹ phẩm, bởi nhãn dán này mang đến hiệu quả trong quá trình in ấn tương tự như các nhãn dán từ nguyên liệu hóa thạch hiện tại".
Vật liệu nhãn Ocean Action có sẵn dưới dạng màng nhựa PP trắng và trong suốt kết hợp với các dòng keo RP37, RF37, RP74 và đế PET 23 PCR, đế glassine trắng. Những chất liệu tem nhãn này hoàn toàn phù hợp với mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), chẳng hạn như hàng gia dụng, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thực phẩm đóng gói và đồ uống.
Để đưa nhãn dán Ocean Action thành một sản phẩm thành công về mặt thương mại, UPM Raflatac đã hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác trong chuỗi giá trị. Sự hợp tác này là rất cần thiết nhằm hướng đến hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn. Ở giai đoạn đầu, HHI - một công ty chuyên tái chế nhựa tại Malaysia - sẽ tiến hành thu gom, phân loại rác thải thựa trên đại dương với các đối tác của mình. HHI đạt chứng nhận tiêu chuẩn Ocean Bound Plastics theo chương trình Zero Plastic Oceans nhằm đảm bảo trách nhiệm trong khâu cung ứng, thu gom và quản lý rác thải nhựa đại dương một cách hợp lý và có trách nhiệm.
Sau khi thu gom và phân loại rác thải nhựa trong đại dương, HHI sử dụng phương pháp tái chế hóa học để chuyển rác thải thành dầu nhiệt phân. Dầu nhiệt phân sau đó được SABIC sử dụng để tạo hạt nhựa PP chất lượng cao.
Bà Lada Kurelec, Tổng giám đốc Kinh doanh nhựa PP, PET, PS, PVC, PU và Elastomers cho Hóa dầu tại SABIC, chia sẻ: “Chúng tôi tự hào mang đến cho khách hàng một sự lựa chọn khác bền vững hơn thông qua quy trình hiện đại tái chế nhựa đã qua sử dụng vốn sẽ theo dòng chảy của sông mà đổ ra đại dương của chúng ta. Các nhãn dán làm bằng nhựa tái chế này được kết nối với giải pháp TRUCIRCLE ™ của chúng tôi về các sáng kiến tuần hoàn giúp giảm thiểu rác thải nhựa, giảm thiểu sự suy giảm hóa thạch và bảo vệ hành tinh của chúng ta".
Sau SABIC, các hạt nhựa sẽ tiếp tục đi vào quy trình sản xuất màng nhựa do nhà sản xuất Taghleef Industries thực hiện trước khi trở thành một trong những thành phần để UPM Raflatac sản xuất nhãn dán tự dính nhãn cuối cùng.
Ông Simone Baldin, Giám đốc Đơn vị Kinh doanh của Taghleef Industries cho biết: “Chúng tôi tự hào là một phần của sáng kiến này thể hiện bước tiến xa hơn trong mục tiêu hướng đến nền kinh tế tuần hoàn nhờ vào việc tái sử dụng hiệu quả các nguyên liệu có giá trị. Đó là một nỗ lực có trách nhiệm để bảo vệ môi trường của chúng ta, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ".
Chất thải nhựa được sử dụng trong chuỗi giá trị sản xuất vật liệu nhãn dán Ocean Action được tổ chức Zero Plastics Oceans cấp chứng nhận và thành phẩm vật liệu nhãn dán cuối cùng cũng đạt chứng nhận ISCC PLUS. Sản phẩm lấy nguyên liệu tái chế bền vững để thay thế lượng tài nguyên hóa thạch nguyên sinh tương đương trong quá trình sản xuất, sử dụng phương pháp cân bằng khối lượng, tính đến lượng tài nguyên bền vững. Những yếu tố này nhấn mạnh rằng nhãn dán Ocean Action có thể truy xuất và có nguồn gốc bền vững.
PV