Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có nhiều chuyển biến tốt tại một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc... Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10 của cả nước vẫn tăng 16% so với tháng 10/2017, đạt 67 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm lên gần 541 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ sau một thời gian sụt giảm liên tục đã có sự tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong tháng 10 đạt 26 triệu USD, tăng 35% so với tháng 10/2017. Đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ. Điều này cho thấy, việc các nhà nhập khẩu cá ngừ Mỹ tạm dừng các đơn hàng cá ngừ nhập khẩu từ Trung Quốc vì những mối lo ngại liên quan đến việc tăng thuế đã tạo ra cơ hội mở rộng thị trường cho các nhà xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Do đó, xu hướng tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới.
Nguồn: VASEP.
Sau một thời gian tăng trưởng tốt, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU giảm trong tháng 10. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng 10 chỉ đạt 18 triệu USD, giảm 4% so với tháng 10/2017. Tuy nhiên, sự sụt giảm này không đáng kể nên tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm vẫn tăng 18%, đạt 136 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang Tây Ban Nha và Hà Lan vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Còn xuất khẩu sang các thị trường chính khác trong khối như Đức và Italy vẫn giảm.
Năm nay, giá cá ngừ nhập khẩu vào EU tăng cao khiến nhu cầu chung trong khối thị trường giảm. Cuối năm, giá cá ngừ đã hạ nhiệt, các thị trường vào chuẩn bị bước vào những ngày lễ lớn nên nhiều khả năng cầu sẽ tăng. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu EU đang xem xét nguồn cung để đặt trước hợp đồng cung cấp cá ngừ với các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam cho hạn ngạch nhập khẩu thăn/philê cá ngừ hấp chín đông lạnh vào EU. Việc xem xét này là do hạn ngạch nhập khẩu bắt đầu từ ngày 01/01 cho tới khi hết hạn ngạch 25.000 tấn, điều quan trọng là các nhà chế biến phải xuất xưởng kịp thời và chuyển hàng đến trước cuối năm tại các cảng EU để đảm bảo việc đưa vào trong hạn ngạch. Do đó, nhập khẩu của EU của Việt Nam sẽ tăng trở lại.
Trong tháng 10, Israel đã nhập khẩu gần 2,7 triệu USD các sản phẩm cá ngừ, tăng 88% so với tháng 10/2017. Do đó, tỉnh tổng 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Israel vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt 52% so với cùng kỳ. Israel tiếp tục là thị trường thay thế tiềm năng cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản bão hòa. VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ sang không chỉ Israel, mà sang một số nước Trung Đông khác như Ai Cập, sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.
Sau một thời gian tăng trưởng khả quan, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN đã giảm. Tháng 10, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này chỉ đạt 5,1 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do xuất khẩu cá ngừ sang Thái Lan, thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất trong khối giảm. VASEP dự báo, do cuối năm nguồn cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên hoạt động xuất khẩu sẽ chậm lại.
Nguồn Nhịp sống kinh tế
Theo tbdn.com.vn