Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo khẳng định, tác động tiêu cực từ thiên nhiên, con người dẫn đến sói mòn đất, lũ lụt… và phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi sự thay đổi môi trường.
Vì thế, cấp Hội đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, giúp phụ nữ tiếp cận các quyền cơ bản, các chính sách liên quan đến tạo sinh kế, việc làm; xây dựng nhiều mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả để tạo công ăn việc làm, sinh kế cho phụ nữ. Hội phụ nữ các cấp cũng xây dựng gần 30.000 mô hình tham gia gìn giữ môi trường, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ trong hỗ trợ phát triển sinh kế và cải thiện việc làm, tăng thu nhập.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Tài nguyên Môi trường – ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, thời gian qua, chính sách liên quan thích ứng biến đổi khí hậu thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới các cấp ngành cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường nhằm làm giảm thiểu tác động đến các hoạt động sinh kết của phụ nữ tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.
Theo Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), biến đổi khí hậu cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm cư dân nghèo khó. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới.
Phụ nữ cũng dễ bị tác động tiêu cục từ biến đổi khí hậu, nhất là với sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, phụ nữ lại ít có cơ hội tham gia vào thị trường lao động mà phần lớn tham gia vào các công việc phi chính thức do gặp nhiều khó khăn, hạn chế năng lực thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.