Phát biểu tại lễ đăng ký, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Chủ tịch Quỹ Đạo Phật ngày nay cho biết những người hiến mô, tạng khi mất đi sẽ có cơ hội chuyển sự sống cho từ 6 đến 13 người khác. “Trong Đạo Phật, tác động của nhân quả là có thật, việc hiến mô, tạng cứu người, hiến xác cho khoa học không chỉ là việc làm có ý nghĩa, góp phần cứu chữa người bệnh có nhu cầu, có ý nghĩa xã hội mà còn tạo được cảm giác hạnh phúc cho người hiến tạng khi thực hiện những việc làm ý nghĩa”- Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Tại lễ đăng ký, gần 600 người dân đã trực tiếp đăng ký và nhận thẻ hiến mô, tạng cứu người, hiến xác cho khoa học.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, Chủ tịch Quỹ đạo Phật ngày nay cho biết: Quỹ đạo Phật ngày nay, chùa Giác Ngộ đã phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế đã tổ chức 8 lần đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học. Khởi đầu từ năm 2014 có 215 người đăng ký, đến năm 2019 có hơn 1.200 người tự nguyện đăng ký và đến đầu tháng 12 năm 2020 có 519 người tự nguyện đăng ký.
Cũng tại buổi lễ Đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học lần thứ 07 năm 2019, chùa Giác Ngộ đã vinh dự nhận được kỷ lục: “Cơ sở Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức chương trình vận động hiến mô tạng cứu người và hiến xác cho khoa học” do Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam xác lập. Với thành quả đã đạt được trong công cuộc tuyên truyền, vận động và khuyến khích người có tâm nguyện hiến mô, tạng, hiến xác đã khẳng định thể hiện rõ nét thông điệp “Cho đi để còn mãi” đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
PV