Đại hội Công đoàn TP HCM tổ chức trong 3 ngày (từ 22 đến 24-9), tại Hội trường thành phố (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) với 549 đại biểu tham dự.
Đặc biệt, phiên thứ 4 của đại hội diễn ra vào ngày 24-9 được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình TP HCM. Tại phiên này, có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM và ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tham dự và phát biểu chỉ đạo, định hướng tại Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018 - 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thành phố nhiệm kỳ 2023 - 2028; Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành (khóa XI); đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028; dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Đại hội tiến hành bầu cử Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố khóa mới và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Với phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển", đại hội đặt ra mục tiêu tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; tăng cường củng cố niềm tin, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp NLĐ, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của công nhân lao động; tích cực xây dựng tổ chức Công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ, chính quyền thành phố, đóng góp vào phát triển TP HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Đại hội đặt ra chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2023 – 2028, tập trung triển khai 3 khâu đột phá theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028: Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; Xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.
Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2023- 2028
- Đến hết năm 2028, phấn đấu có 1,980 triệu đoàn viên Công đoàn trở lên.
- Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
- Ít nhất 75% trở lên công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động ban hành, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Hàng năm bình quân phát triển thực tăng 120.000 đoàn viên.
- Hàng năm ít nhất 72% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ.
- Hàng năm bình quân mỗi Công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.
- Hàng năm phấn đấu đạt từ 85% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và Công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
- Hàng năm: 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát cùng cấp đúng quy định; công đoàn cấp trên kiểm tra ít nhất 15% công đoàn cấp dưới về tài chính, 10% về chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; từ 20% trở lên các đơn vị công đoàn cơ sở doanh nghiệp có trên 200 lao động được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát về tài chính; 100% công đoàn cơ sở thực hiện công khai tài chính.
PV
Theo NLĐ