Theo đó, đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TP” với những tiêu chí cùng hành động cụ thể đã thúc đẩy hơn sự phát triển của phương thức trọng tài thương mại. Trong quá trình thực hiện đề án, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói riêng và các trung tâm trọng tài, tổ chức khác nói chung đã có nhiều đóng góp, nỗ lực triển khai đa dạng các hoạt động nhằm cung cấp các thông tin hữu ích về pháp luật trọng tài đồng thời khẳng định ưu thế của phương thức trọng tài đối với DN.
Mở đầu Hội thảo, bà Mai Thị Tuyết Hạnh, Phó phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư Pháp đã báo cáo về quá trình thực hiện cũng như các kết quả đáng ghi nhận của đề án.
Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Hạnh nhận định phần lớn các tổ chức trọng tài thương mại đã quan tâm xây dựng mô hình hoạt động dần đi vào ổn định và ngày một hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo hướng chuyên nghiệp phù hợp năng lực kinh nghiệm chuyên môn. Trọng tài thương mại là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng vẫn chưa được biết đến nhiều như tòa án, chính bởi vậy, việc phổ biến nhân rộng kiến thức, thông tin về trọng tài thương mại là điều rất cần thiết. Với sự triển khai sát sao, tích cực của các tổ chức của các tổ chức trọng tài cũng như các đơn vị hỗ trợ, qua hơn 4 năm thực hiện đề án hoạt động trọng tài thương mại trên địa bàn TP đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cá nhân, tổ chức DN trong đó có DN vừa và nhỏ về vị trí, vai trò của trọng tài thương mại ngày càng mở rộng để tiếp nhận và giải quyết tốt các tranh chấp thương mại có yếu tố quốc tế, góp phần hỗ trợ tòa án giảm tải giải quyết các tranh chấp thương mại.
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tính đến năm 2019, số lượng tranh chấp khởi kiện tại trọng tài của VIAC là 274 vụ, tăng gấp nhiều lần so với số vụ của năm 1993 - giai đoạn đầu trong lịch sử của pháp luật trọng tài. Con số này đã phản ánh phần nào bước nhảy vọt cũng như xu thế của cơ chế xét xử bằng trọng tài trong thời gian qua. Tranh chấp ngày càng tăng đòi hỏi pháp luật cần phải có khung điều chỉnh chặt chẽ, cùng với đó là sự cải tiến, hoàn thiện dần quy trình của các trung tâm trọng tài. Việc Luật TTTM ra đời và không ngừng được hoàn thiện trong thời gian qua là nền tảng vững chắc giúp quy trình tố tụng trọng tài diễn ra an toàn, hiệu quả. Thêm vào đó, sự quan tâm, khuyến khích phát triển trọng tài của cơ quan nhà nước, các tổ chức cũng góp phần nhân rộng, đưa phương thức trọng tài đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, một trong số những chính sách đó là Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh”.
Ở phần thảo luận với sự điều phối của ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN VIAC và giải đáp thắc mắc của các diễn giả, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, đại biểu tham dự cũng có những chia sẻ về các vướng mắc liên quan đến pháp luật trọng tài. Thông qua phần trao đổi, nhiều định hướng, đề nghị được đưa ra, đóng góp tích cực vào việc mở rộng và phát triển hơn nữa hoạt động giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại.
PV