Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng… đã xảy ra một số vụ đòi nợ thuê vi phạm pháp luật
Ảnh tư liệu
Trước đó, Công ty cổ phần MGA Việt Nam, trụ sở tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, tố cáo ông Dương Phước Dũng và Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh (phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM) tổ chức đòi nợ trái quy định pháp luật.
Theo nội dung đơn tố cáo, Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh đã 8 lần đưa nhân viên gồm các đối tượng "xã hội đen" xăm trổ, cởi trần kéo đến trụ sở Công ty cổ phần MGA Việt Nam, xâm phạm nhà xưởng, tài sản, dùng lời lẽ thô tục đe dọa, có hành vi cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây mất trật tự công cộng.
Về vụ việc này, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Công an tỉnh Bình Dương xác minh, xử lý nội dung đơn thư tố cáo của Công ty cổ phần MGA Việt Nam theo quy định pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu công an các địa phương tăng cường theo dõi, nắm bắt hoạt động của các cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê. Xử lý nghiêm các trường hợp đòi nợ thuê kiểu "xã hội đen", vi phạm pháp luật.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng… đã xảy ra một số vụ đòi nợ thuê vi phạm pháp luật.
Hồi cuối tháng 10, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ việc cấm doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê, vì hoạt động kinh doanh này phức tạp, liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng, hoạt động kiểu "xã hội đen".
Trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 28 công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 17 trường hợp không xuất trình hồ sơ lao động, 8 trường hợp không xuất trình được báo cáo tài chính, quyết toán thuế, kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nguồn Tuổi trẻ
Theo tbdn.com.vn