Tham dự tọa đàm có doanh nhân Đặng Văn Thành - Nguyên Chủ tịch Sacombank, nay là Chủ tịch Tập đoàn TTC, doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo – Đồng sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên, Sáng lập kiêm CEO TNI King Coffee, doanh nhân Nguyễn Đình Tùng – CEO Ngân hàng Phương Đông OCB. Host của tọa đàm là CEO Đông Á Solutions Trần Bằng Việt.
Trong phần phát biểu ngay trước tọa đàm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kể lại những câu chuyện và kinh nghiệm về làm cách nào đã giúp bà “Trở lại và vĩ đại hơn”. Những câu chuyện kinh doanh, những trải nghiệm của bà đã tạo động lực cho các bạn trẻ vượt qua các khó khăn để thành công.
Đứng lên từ biến cố năm 2014 và bản án ly hôn năm 2019, lần đầu tiên trước công chúng, bà chia sẻ về những quyền cơ bản của người phụ nữ: "Với những cống hiến, hy sinh, sinh con và nuôi dưỡng con cái thì phụ nữ luôn cần được pháp luật bảo vệ để không bị thiệt thòi thêm. Đặc biệt là các nữ doanh nhân đã cùng chồng khởi nghiệp, tạo dựng cơ đồ thì pháp luật cần công bằng, có như vậy thì các nữ doanh nhân mới yên tâm cống hiến, xây dựng ươc mơ và thực hiện khát vọng của mình, vợ chồng tôn trọng nhau mà gìn giữ gia đình”.
Về lý do của việc trở lại, bà chia sẻ rằng sứ mệnh đối với ngành cà phê là động lực thôi thúc bà: “Tôi chắc chắn một điều là thương hiệu mới này (King Coffee) sẽ vĩ đại hơn và rất xứng đang là thương hiệu Việt có tầm vóc toàn cầu thật sự!”. Bà cũng cho biết King Coffee được thành lập trong thời điểm rất khó khăn, tuy nhiên một số đối tác của bà đã khuyến khích, động viên bà cứ hãy làm, nhờ đó bà đã cho ra đời thương hiệu mới đầy tâm huyết của riêng mình.
Bên cạnh đó, bà cũng chia sẻ về chặng đường gian nan để lấy lại sự công bằng cho cà phê Robusta của Việt Nam mà thành tựu vừa qua là Kỷ lục thế giới cho cà phê Việt Nam và văn hóa cà phê Việt Nam. Bà phát biểu: “Trong tổng ngành cà phê thế giới, Robusta chiếm đến 46%, giá trị thương mại toàn thị trường là 467 tỷ đô (năm 2020). Lợi thế của chúng ta vô cùng lớn đòi hỏi chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc, sửa những lỗi sai để phát huy. Ngay ngày nhận được chứng nhận Kỷ lục này, tôi cho rằng đây là một thời khắc lịch sử, bởi vì cà phê Việt Nam đã chính thức được khẳng định và vinh danh!”
Trong phần phát biểu của mình, bà có đề cập đến sách tự truyện truyền cảm hứng được đúc kết bằng chính cuộc đời bà mang tên The Queen of King Coffee (dự kiến sẽ có phiên bản tiếng Việt trong tháng 6 này), dự án Women Can Do giúp 100,000 phụ nữ khởi nghiệp, Happy Farmers với tầm nhìn là nhà cung ứng một cửa và là cánh cổng thương mại lớn nhất của Việt Nam cho các đối tác quốc tế và thị trường thế giới v.v…
Nhiều bài học kinh nghiệm cho các bạn trẻ đã đươc bà đưa ra, như chuyển đổi số, super app sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp khi bước vào kỷ nguyên số, sử dụng cánh cổng Singapore Dubai giúp các doanh nghiệp vươn ra thế giới nhanh hơn và mạnh hơn. Nếu các doanh nghiệp hướng đến khách hàng tại Trung Đông thì nên sử dụng ngôn ngữ của họ (tiếng Ả rập). Bà chia sẻ: “Các bạn hãy đi ra ngoài để thấy các cơ hội và hãy hành động. Chính thành tựu của các bạn mới tạo nên danh tiếng và uy tín của các bạn, chứ không phải bài phát biểu hay danh ngôn”.
Trả lời các câu hỏi của Host và khán giả trong hội trường, bà Diệp Thảo đã có nhiều chia sẻ hữu ích như: Khi có tầm nhìn xa thì chúng ta sẽ ít có sự thay đổi việc chính của mình hơn và tránh dùng các mánh lới; Bản lĩnh của người đứng đầu trong việc sáng suốt nhìn nhận sự việc, từ đó có quyết định nhanh giúp doanh nghiệp đỡ thiệt hại hơn trong đợt dịch Covid vừa qua; Trong hoạt động của mình, các sản phẩm nào đã đến lúc thoái trào thì các doanh nghiệp nên cẩn thận làm thu gọn để có tính hiệu quả; Để quyết định một việc rất lớn thì các bạn hãy quay về mục đích ban đầu; Kết chung một hệ thống (như chương trình Women Can Do) sẽ giúp các bạn khởi nghiệp có độ thành công cao hơn, đi lâu dài tốt hơn v.v…
“Khởi nghiệp là một việc rất nghiêm túc và lâu dài, các bạn không nên có tầm nhìn ngắn rằng 5 năm tới có gì hay để làm. Việc các bạn cần làm là xác định một số năng lực lõi và khả năng chúng ta đi lâu dài với nghề đó hay không” – bà chia sẻ. Bà lấy ví dụ gia đình của các bạn đang có một tiệm tạp hóa, các bạn có thể sẽ không thích hàng hóa chất đầy nhà. Song đó là một ngành retail rất lớn, bắt đầu khởi nguồn cho một hệ thống phân phối mà người ta gọi là huyết mạch của quốc gia. Đôi khi các bạn nhìn ra bên ngoài thấy đồi bên kia có vùng cỏ rất xanh, không có gì khó khăn… Bà đưa ra lời khuyên: “Những gì thuộc về giá trị của gia đình của mình, năng lực lõi của mình là chính cái chúng ta xác định đầu tiên”.
Bà cho rằng thương hiệu Việt chính là tài sản quý giá mà bà muốn đế lại cho thế hệ sau. Từ những năm 2000, bà từng làm rất nhiều hoạt động chia sẻ về vấn đề thương hiệu, làm gì để chúng ta xây dựng được một thế hệ thương hiệu Việt, khát vọng có được một thương hiệu của người Việt vươn ra toàn cầu, bởi vì các tập đoàn lớn thế thế giới không xuất phát từ những quốc gia trồng cà phê, trong khi đây là lợi thế của nước ta.
Đại dịch COVID-19 đi qua, có không ít doanh nhân bị chậm nhịp hoặc gặp nhiều khó khăn so với trước đây. Những doanh nhân ấy cần được học hỏi và được truyền thêm động lực để có thể quay trở lại và mạnh mẽ hơn. Sự kiện “We are back” thu hút hàng trăm CEO trẻ trên toàn quốc tới tham dự. Đây được đánh giá là sự kiến lớn nhất sau 2 năm COVID-19 của Cộng đồng CEO Quản trị và Khởi nghiệp.
Qua hội thảo, nhiều vấn đề đáng quan tâm đã được đặt ra, xoay quanh chủ đề về sự trở lại của các doanh nghiệp sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch. Qua đó, cũng là cơ hội để các doanh nhân có dịp thắt chặt mối quan hệ và tạo sự gắn bó vượt qua nhiều khó khăn.
PV