Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 diễn ra ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: "Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm của toàn ngành và toàn xã hội quan tâm. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và 2 triệu học sinh lớp 10-11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số. Kết quả tuyển sinh cũng là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường đại học. Tuyển sinh tốt cũng sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường và từ đó có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học, xã hội.
Đối với toàn xã hội, việc các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề được các sinh viên lựa chọn sẽ tác động tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, cùng với phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội, đất nước."
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 nhưng có lưu ý: Cơ sở đào tạo (CSĐT) ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hoá quy chế của Bộ GD&ĐT; Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; Thí sinh được hưởng chính sách ƯTKV theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp cùng một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.
Các CSĐT cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển (PTXT); đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo PTXT; loại bỏ các PTXT không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các PTXT; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…
Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 (để các trường khai giảng vào đầu tháng 9); tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển; Thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống chỉ theo ngành đào tạo, đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, giảm tối đa nhầm lẫn, nâng cấp Hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có).
Theo số liệu thống kê, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc năm 2022 là 521.263 đạt 83,39% (cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020); trong số 330 CSĐT có 194 CSĐT (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong mùa tuyển sinh đại học năm trước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học (dưới 1%).
Vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…".
Thu Trang theo THPL